Từ năm 2010, TP Cần Thơ đã tập trung triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là Đề án 1956) trên diện rộng và đã thu được những kết quả khả quan, góp phần tạo nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn…
Cả hệ thống chính trị vào cuộcTheo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) TP Cần Thơ, khi triển khai thực hiện Đề án 1956, địa phương có thuận lợi là từ năm 2001, UBND thành phố đã có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT). Cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể đều nhận thức rõ tầm quan trọng, sự cần thiết của đề án và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào cuộc...
HĐND thành phố cũng ban hành Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND ngày 25-6-2010 về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT và các đối tượng chính sách xã hội khác. Trong đó, tập trung mở rộng hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng 2 và 3 (hộ cận nghèo và lao động có nhu cầu học nghề) thay vì chỉ giới hạn ở đối tượng 1 (hộ nghèo, bị thu hồi đất canh tác) và kinh phí hỗ trợ được cân đối từ ngân sách của thành phố.
|
Nhờ được đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhiều hộ nghèo vùng nông thôn TP Cần Thơ đã ổn định cuộc sống. |
Chúng tôi về huyện Thới Lai, địa phương được TP Cần Thơ chọn làm điểm để thực hiện Đề án 1956. Qua tìm hiểu cho thấy, trong 5 năm (2010-2014), địa phương đã tổ chức 64 lớp đào tạo nghề cho gần 2000 học viên, gồm 2 lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Kết thúc các khóa đào tạo có từ 70%-80% số học viên đã tìm được việc làm. Có được kết quả nêu trên, trước hết nhờ địa phương xác định đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, không đào tạo các ngành nghề mà xã hội chưa thật cần; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người học nghề, tạo điều kiện cho họ được vay vốn để sản xuất, xuất khẩu lao động…
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Lai cho biết: Thực hiện Đề án 1956, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể địa phương đều xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên của từng đơn vị; đồng thời xem đây là công tác có ý nghĩa quyết định trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội và xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Phấn đấu 80% người lao động có việc làm sau học nghềĐể thực hiện có hiệu quả Đề án 1956, TP Cần Thơ đã xây dựng và nhân rộng được 54 mô hình đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó có 18 mô hình thuộc nhóm nghề nông nghiệp và 36 mô hình thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp. Thành phố có 37 đơn vị tham gia dạy nghề cho LĐNT (19 cơ sở công lập và 18 cơ sở ngoài công lập). Hơn 18.830 LĐNT đã được đào tạo nghề, tỷ lệ người lao động có việc làm sau đào tạo đạt 73,34%.
Ông Nguyễn Thành Nguyện, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Tây Đô (Sở LĐ, TB và XH TP Cần Thơ) cho biết: Mỗi năm, trung tâm đào tạo hơn 1.200 học viên theo Đề án 1956. Trong đó, những nghề đào tạo chủ lực của trung tâm như sửa chữa xe gắn máy, xây dựng dân dụng, kỹ thuật điện, hàn đều có hơn 95% học viên tìm được việc làm. Bà Sơn Thị Lang, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan lát, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Phú Hòa B (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) phấn khởi nói: "Tổ hợp tác đan lát chúng tôi hiện có hơn 100 tổ viên là phụ nữ người Khơ-me, chuyên sản xuất các sản phẩm từ cây lục bình (bèo tây), được doanh nghiệp bao tiêu trọn gói. Chị em trong tổ hợp tác đều có thu nhập ổn định, bình quân từ 1,5-3 triệu đồng/tháng".
Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu đào tạo nghề cho 28.750 LĐNT trong giai đoạn 2015-2020, trong đó 5000 người học nghề nông nghiệp và 23.750 người học nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ người lao động có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt từ 80% trở lên thì cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch thường trực UBND, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 1956 TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian tới, Ban chỉ đạo Đề án 1956 TP Cần Thơ sẽ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; huy động nhiều thành phần tham gia dạy nghề; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo, tiến tới hợp đồng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Cùng với đó, thông qua các tổ chức, đoàn thể, giúp cho người lao động được vay vốn từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm; gắn giải quyết việc làm với công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương.
Bài và ảnh: HỒNG HIẾU
Theo qdnd.vn