Đồng lác tập trung ở Hưng Mỹ cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở Hưng Mỹ Nông thôn khởi sắc Hưng Mỹ xác định thế mạnh của địa phương là sản xuất nông nghiệp, kế đến là tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Vì thế, có thể nói rằng, tam nông là nền tảng cơ bản để Hưng Mỹ bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đó là khẳng định của ông Lâm Anh Dũng - Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban XDNTM Hưng Mỹ. "Đến nay, Hưng Mỹ đã đạt 13/19 tiêu chí XDNTM, thu nhập bình quân đầu người từ 6,74 triệu đồng (năm 2008) tăng lên 19,69 triệu đồng (năm 2012); tỷ lệ hộ nghèo còn 122 hộ, chiếm 5,09%, cảnh quan môi trường nông thôn trên địa bàn xã được xây dựng, nâng cấp, đảm bảo thông thoáng, sạch đẹp”, ông Dũng cho biết thêm. Cũng trong thời gian qua, địa phương tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng hơn 7.000m đường làng nghề, đường đal với kinh phí 5,2 tỷ đồng phục vụ cho làng nghề tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Song song đó, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và các nguồn vốn khác cùng vốn đối ứng của nhân dân hàng tỷ đồng xây dựng hơn 1.000m đường đal, cầu bê tông cốt thép, cải tạo chợ xã, tạo điều kiện đi lại dễ dàng, đặc biệt là trao đổi hàng hóa được thuận lợi. Ông Trần Văn Chất (chủ doanh nghiệp đan lác xuất khẩu) ấp Rạch Vồn cho biết: Có đường giúp các ấp thuận lợi hơn cho lao động nhận hàng về nhà gia công và tập kết hàng giao lại cho doanh nghiệp, không phải e ngại về thời gian giao nhận hàng do đường sá cách trở như trước đây. Ông Chất nói: Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm ông tiết kiệm cả chục triệu đồng từ chi phí vận chuyển, do xe tải đã vào tận cơ sở, còn trước đây phải trung chuyển hàng chở ra xe lớn. Hình thành sản xuất tập trung Thời gian qua, Hưng Mỹ tập trung chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh, áp dụng quy trình kỹ thuật và có kế hoạch thực hiện chương trình trọng điểm. Cụ thể, tiếp tục triển khai áp dụng các giống lúa mới, Chương trình 3 giảm 3 tăng vào 1.850ha lúa. Trong đó, sản xuất vùng lúa chất lượng cao 300ha ở 3 ấp Bà Trầm, Ngãi Lợi và Ngãi Hiệp. Áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác 400ha màu (đậu phộng 100ha, 300ha các loại hoa màu khác), tập trung thực hiện và nhân rộng các mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng, trồng đậu phộng ở các ấp Đại Thôn, Rạch Vồn, Ngãi Hiệp và Bãi Vàng. Qua triển khai thực hiện, hầu hết các mô hình đều cho kết quả khả quan, lúa chất lượng cao đạt 6 tấn/ha, các mô hình còn lại đạt từ 50 – 100 triệu đồng/ha, được người dân tiếp tục nhân rộng. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Phúc Duy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Mỹ chia sẻ: Nhờ sát cánh "lội đồng” cùng cán bộ chuyên môn thường xuyên hỗ trợ nông dân trong lúc khó khăn, nên nhiều năm qua nông dân Hưng Mỹ luôn được tiếp cận và ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, sẵn sàng thực hiện mô hình điểm cũng như hướng dẫn cho người dân trong ấp nhân rộng mô hình, liên kết sản xuất”. Hàng năm, qua bình xét có từ 40 – 50 nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh. Sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp là thế mạnh thứ hai của xã với 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 83 cơ sở gia công, góp phần giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động của địa phương với mức lương từ 1,7 đến trên 2 triệu đồng/tháng. Mặt khác, các tổ chức Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên thường xuyên liên kết mở lớp đào tạo nghề đan đát cho hội viên. Từ đó, Hưng Mỹ có đội ngũ lao động đan đát lành nghề, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ năng lực đảm nhận các lô hàng có quy mô lớn, nâng cao doanh thu cho doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho lao động. Theo ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch UBND xã: "Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết tam nông ở Hưng Mỹ là đưa tam nông vào chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận dụng việc thực hiện Nghị quyết tam nông vào XDNTM, nhằm phát huy tối đa những ưu điểm của tam nông để xây dựng thành công xã NTM Hưng Mỹ”. UYÊN PHƯƠNG |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn