Hơn 20 năm về trước, khi nghề nuôi con đặc sản còn chưa phổ biến thì ông Vũ Cao Thăng ở xóm 2, xã Ân Hòa (Kim Sơn, Ninh Bình) đã mạnh dạn nuôi ếch da xanh, cá sấu, tắc kè…
Tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp 1, đi hết nơi này đến nơi khác, gõ cửa nhiều cơ quan, Vũ Cao Thăng vẫn không tìm được một công việc phù hợp. Ông đành về làm kế toán ở HTX Ân Hòa để chờ thời cơ. Ngoài giờ làm việc ở HTX, thời gian rảnh rỗi ông về nhà chăn nuôi. Sau 2 năm, ông bỏ hẳn công việc ở HTX về chăn nuôi tại nhà vì đồng lương không đủ để trang trải cho cuộc sống.
Thời gian đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn, bởi nuôi con đặc sản là nghề mới nên không có sách vở, tài liệu để tham khảo, tất cả vốn liếng chỉ là ít kiến thức học tại trường đại học. Rồi ông phải lang thang ra các cánh đồng để nhặt từng ổ trứng ếch về ương con giống. Ban đầu, ông chỉ ương vào các tráng nhỏ bằng lưới rồi bán con giống cho các trại chăn nuôi khác.
Một thời gian sau, khi con đặc sản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, ông chuyển hướng sang nuôi thương phẩm. Dần dần, có nhiều vốn hơn, ông xây bể, chuồng nuôi và nhập thêm các con giống ba ba gai Đài Loan, ếch Thái Lan về nuôi…
Hiện nay, mỗi năm trang trại của ông xuất bán hàng nghìn con cá sấu giống, 150.000 con ba ba gai Đài Loan, hàng trăm tấn ếch thịt, cá sấu thịt thương phẩm… Trừ hết chi phí mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 1 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 – 15 lao động với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Không chỉ vậy, ông thường xuyên giúp kỹ thuật, con giống cũng như bao tiêu sản phẩm cho các hộ trong xã có nhu cầu nuôi con đặc sản. Hàng năm ông mở các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ các sinh viên về thực tập và các hộ nuôi con đặc sản. Ông Thăng tâm sự, ông sẽ đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, đồng thời đưa việc nuôi con đặc sản thành một nghề giúp ND quê ông làm giàu.