Khi mới bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2011, xã Yên Lạc gặp rất nhiều khó khăn: chỉ đạt 4/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức của người dân còn hạn chế,...Tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để đổi mới, xây dựng và phát triển nông thôn bền vững, nên Đảng ủy xã đã sớm ban hành Nghị quyết lãnh đạo về xây dựng nông thôn mới ngay từ năm đầu tiên có chủ trương của cấp uỷ Đảng cấp trên. Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban với 28 thành viên; Ban quản lý do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban với 21 thành viên; thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch và lập Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và thông qua HĐND xã ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án để làm cơ sở pháp lý cho Ban quản lý triển khai thực hiện. Sau khi Đề án được UBND huyện phê duyệt, UBND xã đã cụ thể hoá Đề án thành chương trình, kế hoạch thực hiện hàng năm.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Đảng ủy xã chỉ đạo cả hệ thống chính trị ở địa phương tham gia vào cuộc. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ mỗi tổ chức, hội, đoàn thể đăng ký tham gia thực hiện một số chỉ tiêu, tiêu chí. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và thành viên trong gia đình mình. Sau đó, từng nhiệm vụ do hội, đoàn thể trực tiếp xây dựng, báo cáo Đảng ủy và Ban Chỉ đạo xã cho ý kiến thực hiện. Cụ thể: Hội phụ nữ và các chi hội tham gia thực hiện tiêu chí môi trường, xây dựng gia đình văn hóa, gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; Hội cựu chiến binh thực hiện phong trào gương mẫu, hỗ trợ hội viên xóa đói, giảm nghèo; Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương;...
Ảnh: Mô hình nuôi dê lai của Hội viên cựu chiến binh |
Nịnh Văn Lục, xóm Kim Lan, xã Yên Lạc |
Mục tiêu của xã đưa ra là phấn đấu mỗi năm hoàn thành từ 1 - 2 tiêu chí nông thôn mới trở lên. Cách làm là chọn các tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau, trong đó, lựa chọn các tiêu chí có thể huy động nguồn lực nội tại, cần ít nguồn lực tài chính để vận động nhân dân và các xóm tiến hành như: văn hoá, môi trường, hệ thống chính trị, an ninh trật tự,...Đặc biệt đối với các tiêu chí về cơ sở vật chất, khi triển khai thực hiện luôn có sự giám sát của người dân, đảm bảo dân chủ, công khai. Kết thúc năm đầu tiên, năm 2012 xã Yên Lạc đã thực hiện hoàn thành 4 tiêu chí. Sau đó, từ năm 2013 đến năm 2018 mỗi năm xã hoàn thành từ 1 - 3 tiêu chí, năm 2019 đạt thêm 4 tiêu chí nông thôn mới và đã hoàn thành 19/19 tiêu chí theo quy định của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Ảnh: Xây dựng rãnh thoát nước tuyến đường trục xã |
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một số tiêu chí nổi bật mà xã Yên Lạc đã vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt được đó là: Tiêu chí Giao thông, đến nay 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 73% đường trục xóm, liên xóm đổ bê tông, số còn lại đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa. Đối với tiêu chí Thủy lợi: cả xã có 10 hồ đập lớn nhỏ, hơn 10 km kênh mương đảm bảo việc chủ động tưới tiêu cho 80% diện tích đất sản xuất. Tiêu chí điện: có 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên và an toàn. Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa: đã huy động gần 2 tỷ đồng để thực hiện và đạt chuẩn theo quy định. Về tiêu chí Tổ chức sản xuất: trên địa bàn xã hiện có 2 Hợp tác xã, 2 Tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap hoạt động có hiệu quả. Năm 2019, thu nhập bình quân đạt 34,1 triệu đồng/người/năm.
Đồng chí Trần Xuân Thụ, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc khẳng định: “Trong những năm qua, xã Yên Lạc đã huy động nguồn lực được hơn 33 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó, ngân sách cấp trên hơn 23 tỷ đồng, ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng; nhân dân hiến hơn 16.700 m2 đất và tài sản trên đất. Qua 9 năm có 838 hộ thoát nghèo, 497 hộ thoát cận nghèo, hết năm 2019 chỉ còn 91 hộ nghèo, chiếm 4,74%, thấp hơn so với quy định 7%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 96%, cao hơn so với quy định 6%. Các tiêu chí y tế, môi trường và an toàn thực phẩm; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng và an ninh đạt chuẩn theo quy định. Các tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn đang tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng”.
Theo đồng chí Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Lương cho biết: “Quá trình triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới xã Yên Lạc nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện; sự phối hợp, hỗ trợ của các phòng, ngành, đoàn thể cấp huyện. Huyện cũng quan tâm dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho Yên Lạc để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Với các địa phương về đích nông thôn mới những năm trước thường thường hoàn thiện hồ vào thời điểm cuối tháng 12 nên bị động, ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Đối với Yên Lạc, rút kinh nghiệm từ các địa phương trước đó, nên công tác chuẩn bị hồ sơ sớm hơn đề nghị tỉnh thẩm định công nhận. Để làm được điều đó, cùng với việc chỉ đạo, đôn đốc, UBND huyện giao nhiệm vụ cho các phòng, ngành chức năng của huyện phối hợp, giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, rà soát lựa chọn nội dung tiêu chí để đoàn của tỉnh tiến hành thẩm định được sớm nhất có thể. Huyện cũng chỉ đạo địa phương sau khi được tỉnh công nhận xã nông thôn mới, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã được giao phụ trách tiêu chí phải bám sát, phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng của huyện để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao tiêu chí đó; phương châm thực hiện là làm thường xuyên, lâu dài, liên tục để tiêu chí được duy trì một cách bền vững”.
Đến nay, huyện Phú Lương đã có 10/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt trước kế hoạch 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Từ kết quả thực hiện phong trào này, đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, trong đó, có hệ thống cơ sở hạ tầng, điều kiện phục vụ phát triển sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Điều đó, tạo động lực mạnh mẽ, là niềm tin để người dân tích cực tham gia nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương nói chung và xã Yên Lạc nói riêng./.
Bài và ảnh: Văn Hùng/ntm.thainguyen.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn