Mặt trận Tổ quốc các cấp: Góp sức xây dựng nông thôn mới
Thứ ba - 17/06/2014 05:05
LTS: Theo kế hoạch, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2014 - 2019) dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 25 và 26-6. Để tuyên truyền về đại hội và góp phần làm rõ thành tựu cũng như những vấn đề khó khăn trong tổ chức hoạt động của MTTQ các cấp, thực hiện kế hoạch phối hợp tuyên truyền giữa hai cơ quan, từ ngày 17-6, Báo Hànộimới và Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội mở chuyên mục "Hướng tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVI". Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Mặt trận Tổ quốc các cấp: Góp sức xây dựng nông thôn mới
Không phải là tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng việc dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) có ý nghĩa quan trọng để tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa, nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, đến nay, TP Hà Nội đã DĐĐT được 96% diện tích có thể dồn đổi, dẫn đầu cả nước về công tác này.
Năm 2010, được chọn làm điểm xây dựng NTM, cán bộ và nhân dân xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) vừa mừng vừa lo. Làm thế nào để đạt 19 tiêu chí đặt ra là điều trăn trở của cán bộ xã - ông Lương Hữu Đốc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đại Thắng cho biết. Đây là nhiệm vụ mới nên cán bộ xã cẩn trọng trong từng khâu thực hiện và triển khai bài bản từng phần việc theo hướng làm đâu chắc đó, trong đó xác định khâu đột phá trong xây dựng NTM là DĐĐT. Nhiệm vụ được phân công rất cụ thể, đâu là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đâu là của MTTQ và các đoàn thể. Với nhiệm vụ của mình, MTTQ đã phân công cán bộ đến từng gia đình vận động các hộ DĐĐT để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, khắc phục triệt để tình trạng úng ngập và sản xuất manh mún. Kết quả là xã Đại Thắng đã DĐĐT được toàn bộ diện tích theo kế hoạch. Những cánh đồng mẫu lớn có hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng hiện đại đã xuất hiện, tạo thuận lợi cho sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 25 triệu đồng/năm.
Xã Văn Hoàng (Phú Xuyên) cũng làm tốt công tác xây dựng NTM. Ông Đặng Huy Giáp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Văn Hoàng cho biết, xã xác định cùng với việc DĐĐT phải tiến hành đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy hoạch xây dựng NTM. Khi đó, cả cánh đồng như một công trường. Ban giám sát cộng đồng, đơn vị tư vấn giám sát thường xuyên có mặt tại công trình để thực hiện giám sát, kịp thời khắc phục các sai sót trong thi công. Vì vậy, tất cả các dự án thủy lợi nội đồng đều bảo đảm vượt tiến độ, đào đắp đúng kỹ thuật, đáp ứng tưới tiêu, phục vụ sản xuất theo quy mô lớn.
Thực tế trong xây dựng NTM, không thể không nhắc tới sự linh hoạt, sáng tạo đầy nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ MTTQ ở địa phương. Điển hình như tại huyện Phúc Thọ, thành quả của những ngày dài cán bộ mặt trận kiên trì bám địa bàn, vận động, tuyên truyền là 184 hộ dân đã tự nguyện hiến hơn 8.400m2 đất làm giao thông nông thôn; 8.196 hộ hiến 201.955m2 đất làm giao thông nội đồng. Nhân dân còn đóng góp hơn 12,5 tỷ đồng cùng 78.799 ngày công xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn Phúc Thọ ngày càng khởi sắc. Những thửa ruộng được dồn đổi lại rộng hơn, thuận tiện hơn trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xóa bỏ tình trạng ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún.
Một cách làm hiệu quả nữa là chính quyền phối hợp MTTQ huy động các doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn cùng chung sức xây dựng NTM. Điển hình là Học viện Biên phòng đã giúp xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách; hỗ trợ phương tiện nghe nhìn, tủ sách pháp luật, nội thất nhà văn hóa trị giá hàng trăm triệu đồng và hàng nghìn ngày công lao động cho địa phương.
Ông Lê Xuân Chiển, Trưởng ban Phong trào Ủy ban MTTQ TP Hà Nội khẳng định, trong thành tựu chung của toàn thành phố: Xây dựng 50 xã đạt chuẩn NTM, đặc biệt là DĐĐT được 96% diện tích có thể dồn đổi có sự góp sức đáng kể của MTTQ các cấp. Điều đáng mừng là, bên cạnh việc nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM, MTTQ các cấp đã đẩy mạnh các phong trào tự phòng, tự quản, tự hòa giải, câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội... Qua đó đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, xây dựng địa phương an toàn, vững mạnh.