Mặt trận là "ngôi nhà chung" đầy thân ái và thiêng liêng của toàn dân tộc. Trong 2 cuộc chiến tranh ái quốc đầy hy sinh, gian khổ đã làm nên những thiên sử vàng chói lọi, mặt trận là niềm tin của Đảng, điểm tựa của lòng dân.
Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. |
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X khẳng định: Vai trò của MTTQ Việt Nam rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ và giữ gìn kỷ cương xã hội, thắt chặt mối quan hệ giữa các tầng lớp nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, với tư cách là tổ chức liên minh chính trị, là một bộ phận của hệ thống chính trị nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, MTTQ Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình, trở thành nơi tập trung "ý chí, nguyện vọng, trưng cầu của dân; nơi tập hợp và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận là "điểm tựa" và "nền tảng tinh thần" thắt chặt mối đoàn kết, động viên nhân dân phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới hiện nay có công lớn của mặt trận các cấp. Chính mặt trận đã góp phần quan trọng ổn định chính trị và trật tự an ninh, phát triển kinh tế, xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam phát triển trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn lại, hoạt động của mặt trận các cấp hiện vẫn bộc lộ một số tồn tại. Đó là công tác giám sát và phản biện xã hội chưa được phát huy đúng mức, chưa tương xứng với vị trí, vai trò như Luật Mặt trận quy định. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tuy có chuyển biến tích cực nhưng chưa đồng bộ, không ít nơi còn mang tính hình thức. Trong một số vụ việc, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị giải quyết một số vấn đề bức xúc của nhân dân còn chậm, thiếu khoa học, chưa thấu tình, đạt lý.
Để tạo được niềm tin của Đảng và trở thành điểm tựa của lòng dân trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, đòi hỏi MTTQ các cấp không ngừng nâng cao vai trò tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi nhân dân để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Thông qua công tác phản biện xã hội để phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của cơ quan Đảng, Nhà nước, từ đó kiến nghị để phù hợp với thực tiễn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy dân chủ, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền.
Muốn thực hiện được phương châm: "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân" đòi hỏi tổ chức mặt trận các cấp không ngừng đổi mới nội dung và phương thức, hướng mọi hoạt động về cơ sở với những việc làm cụ thể, thiết thực nhất.
Phan Thế Cải
Theo baohatinh.vn