16:36 EST Thứ bảy, 23/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Mô hình Công ty cổ phần: Lối ra cho nông nghiệp

Thứ hai - 26/05/2014 20:27
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới nhưng phần đông nông dân- người làm nên lịch sử- hiện vẫn là những người nghèo khó trong xã hội. Trước những thách thức to lớn của thị trường toàn cầu hóa, người nông dân cần được tập hợp lại trong mô hình Công ty cổ phần Nông nghiệp để nhân lên sức mạnh, mở lối ra cho nông nghiệp nước nhà.

Nhờ sớm có chính sách đổi mới trong quản lý, tạo điều kiện cho nông dân Việt Nam phấn khởi tham gia sản xuất, nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên đỉnh cao, không chỉ thỏa mãn nhu cầu ăn mặc ở của người dân trong nước mà còn đưa Việt Nam lên hàng các quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Nhưng tiếc thay phần đông những nông dân làm nên lịch sử này hiện nay vẫn còn là tầng lớp nghèo khó nhất trong xã hội, họ đang đối đầu với những thách thức to lớn của thị trường toàn cầu hóa.

Một trong những nhược điểm lớn trong phát triển các ngành kinh tế Việt Nam là sự tự phát trong nhân dân và sự thực hiện riêng lẻ của từng bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. Kết quả của những cố gắng riêng lẻ không những không có tác dụng cộng hưởng mà nhiều khi triệt tiêu lẫn nhau. Hàng trăm thí dụ trong nông nghiệp Việt Nam đã chứng minh điều đó.

Chúng tôi khi còn công tác trong Quốc hội, đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ phải có một “nhạc trưởng để điều khiển mỗi bài nhạc, không nên để mạnh nhạc khí nào nấy chơi theo ý thích của họ". Một vị lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu và đưa ra khái niệm sẽ bố trí “những chương trình chồng xếp nhau” một cách đồng bộ. Nhưng cho đến nay trong thực tế vẫn chưa thấy sự đồng bộ trong các lãnh vực kinh tế nước ta, nhất là trong phát triển nông nghiệp.

Có thể thấy, sự tự phát của nông dân và lãnh đạo cấp cơ sở (nhóm sản xuất nguyên liệu nông nghiệp) thường rất độc lập với chủ trương của tỉnh và Trung ương cũng như các nhà doanh nghiệp (nhóm dịch vụ đầu ra). 

Hiện trạng ngành lúa gạo của Việt Nam là một điển hình của sự phát triển không đồng bộ này. Người nông dân trồng lúa, thành phần đông đảo nhất của nước ta hầu hết phải lo bán đổ bán tháo lúa mới vừa gặt –thậm chí bán cả lúa non- để trang trải nợ nần. Bên cạnh đó, nông dân các ngành khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. 

Để giải quyết vấn đề này, Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết. Gần đây nhất là Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX), nhưng nhìn chung chưa có nơi nào thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra. 

Đã đến lúc Nhà nước phải có những chính sách rất thực tế để các thành phần trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp cùng chung sức cạnh tranh trên trường quốc tế để đến đích thịnh vượng.

Theo đó, việc triển khai Nghị quyết 26 cần được tiến hành đồng thời với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) để tập hợp nông dân trên cùng vùng quy hoạch sản xuất nguyên liệu nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng bằng cách gắn liền với một nhóm công ty có cơ sở bảo quản, chế biến hàng hóa có thương hiệu và có đầu ra phân phối sản phẩm có thương hiệu đó.

Nông dân trong tổ hợp có thể thành lập hợp tác xã, tập đoàn trang trại hoặc cụm sản xuất, chỉ chuyên trồng/sản xuất một giống cây/con theo đúng chuẩn VietGAP mà thị trường đòi hỏi. Toàn bộ tổ hợp nông dân và các công ty cung cấp vật tư đầu vào và công ty chế biến tiêu thụ đầu ra sẽ hình thành một Công ty cổ phần nông nghiệp (Cty CPNN) tại từng vùng quy hoạch.

Mục tiêu của một Cty CPNN

1- Tổ chức nông dân thành những hợp tác xã, tập đoàn sản xuất hoặc cụm sản xuất lúa nguyên liệu, hoặc một nông sản khác, theo phương thức hiện đại, đạt mọi tiêu chuẩn thị trường cạnh tranh để cung cấp cho doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với giá trị tối hảo.

2- Gắn kết chuỗi giá trị sản xuất nông sản, từ nguyên liệu đến thành phẩm có thương hiệu mạnh đưa ra thị trường, để lợi tức được phân bổ hợp lý cho các thành phần tham dự, trong đó bảo đảm nông dân luôn luôn có cơ hội tích lũy lợi tức trong khi doanh nghiệp cũng bảo đảm mức thu nhập.

Tổ chức xây dựng Cty CPNN-chuyên sản xuất gạo/nông sản có thương hiệu cạnh tranh

Triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) và Nghị quyết 26 Trung ương 7 (khóa X), chúng ta lần lượt thực hiện những nội dung cơ bản sau (xem sơ đồ):

Biện pháp đồng bộ thực hiện Nghị quyết 26 rất thực tế về tam nông: Liên kết bốn nhà theo chuỗi giá trị gia tăng.

Nội dung 1- Kết nối các thành phần của hệ thống chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp là vai trò chủ đạo của chính quyền địa phương – tốt nhất là cấp tỉnh, có thể là bộ phận chuyên môn của Sở NNPTNT. Đơn vị này chính là nhạc trưởng cấp tỉnh, có nhiệm vụ tổ chức xây dựng hệ thống. Việc điều hành hệ thống sẽ do một doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm phụ trách, Nhà nước không làm trực tiếp.

Nội dung 2- Quy hoạch vùng sản xuất lúa: Đây là vùng có lợi thế trồng loại lúa mà một doanh nghiệp có thị trường cần có nguyên liệu để sản xuất. Đây là công việc cần sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp chế biến. Lực lượng khoa học tham gia xây dựng quy trình VietGAP hoặc GlobalGAP để đào tạo nông dân làm theo một cách triệt để trong quá trình sản xuất lúa nguyên liệu của hệ thống.

Nội dung 3- Lập kế hoạch tổng thể phát triển vùng quy hoạch: Từ sản xuất nguyên liệu đến phân phối sản phẩm có thương hiệu ra thị trường. Trên cơ sở đó, lập dự án xây dựng hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Đây cũng là công việc cần sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và một doanh nghiệp trung tâm bao gồm các bộ phận vật tư và dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến và phân phối tiêu thụ đầu ra của sản phẩm.

Nội dung 4- Tổ chức nông dân kết hợp với nhau trong những hình thức hợp tác phù hợp: Tất cả nông dân canh tác trong vùng đã được quy hoạch sản xuất trước tiên phải được thuyết phục về tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thị trường hội nhập, và cần thấy rõ tại sao làm ăn cá thể là không còn phù hợp nữa trong thời đại kinh tế thị trường. Mục đích sau cùng là để họ tự giác hợp tác với nhau một cách dân chủ và bình đẳng cùng sản xuất lúa nguyên liệu theo dự án đã được Nhà nước duyệt.

Nông dân sẽ được huấn luyện thật kỹ về quy trình sản xuất lúa nguyên liệu nông sản theo đúng tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP đã được các nhà khoa học xác định. Đây là công tác của Sở NNPTNT kết hợp với Liên minh HTX và Hội Nông dân của tỉnh.

Mỗi nông dân xã viên có thể mua cổ phần của công ty bằng sản phẩm lúa của mình thay vì bằng tiền.

Một chính sách mới, đặc biệt áp dụng cho nông dân tham gia Cty CPNN, cần được Nhà nước ban hành là cho nông dân xã viên được mua cổ phiếu liên tục sau mỗi mùa thu hoạch sản phẩm (vì mua một lần thì nông dân không có vốn để mua).

Một cơ chế cần được sự đồng tình của nông dân là cho công ty trả tiền chậm 10-15 ngày. Đây là biện pháp hiệu quả để giảm áp lực tiền mặt tại thời điểm thu hoạch rộ. Công ty bảo đảm vào thời điểm trả tiền cho nông dân, giá lúa phải bằng hoặc cao hơn giá ở thời điểm nông dân giao lúa cho công ty cộng với lãi suất 10-15 ngày.

Để thực hiện được chính sách bảo hộ giá cho nông dân như vậy, chúng tôi đề xuất thêm một chính sách mới kế tiếp của Nhà nước: Sử dụng một quỹ kích cầu cho các Cty CPNN để bù lỗ cho công ty để bảo đảm giá lúa cho nông dân như phác họa trên đây.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, hiện nay tất cả các quốc gia mạnh như Mỹ, Nhật, Khối EU đều trợ cấp cho nông dân họ hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Thiết nghĩ việc Chính phủ Việt Nam trợ cấp chút ít cho giá lúa của nông dân hội viên HTX nông nghiệp vẫn phù hợp với cách làm quốc tế.

Nội dung 5- Xây dựng khu công nghiệp của công ty. Đây là trung tâm đầu não của Cty CPNN, bao gồm sân phơi, máy sấy, nhà kho, nhà máy xay xát chế biến gạo thành phẩm, chế biến các nông sản khác, nhà máy phát điện bằng ga trấu, cửa hàng vật tư, cửa hàng bách hóa .v.v. Đây là phần đầu tư của các doanh nghiệp thành viên của công ty, hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch bảo đảm không thất thoát khối lượng và chất lượng sản phẩm.

Nội dung 6- Thành lập bộ phận phân phối gạo thành phẩm. Những sản phẩm  đạt chất lượng sẽ được phân phối ra thị trường cao cấp hoặc xuất khẩu; sản phẩm không đạt chất lượng có thể được để lại phân phối trong địa phương hoặc bán tại chỗ.

Điều hành hệ thống

Khi lãnh đạo doanh nghiệp đã xác định thị trường cần sản phẩm đầu ra, thí dụ một loại gạo hạt dài ngon cơm, để dùng làm gạo đăng ký thương hiệu “Ngọc Miền Tây”, bộ phận nông nghiệp của công ty sẽ tham khảo các nhà khoa học xác định giống lúa thích hợp và quy trình GAP tương ứng. Mọi nông dân xã viên sẽ được đào tạo theo đúng quy trình GAP đó (đúng tinh thần NQ 26) và được tạo điều kiện vay vật tư để trồng trọt. Tất cả các khâu chăm sóc phải theo đúng quy trình, có kiểm tra thường xuyên. Đến khi thu hoạch khối điều hành nhà máy chế biến sẽ đưa phương tiện tới tận đồng ruộng của xã viên chở lúa về phơi sấy và chế biến gạo đúng chuẩn đăng ký thương hiệu.

Lúa của nông dân giao cho công ty sẽ được cân và đo ẩm độ, quy về khối lượng chuẩn 14% ẩm độ, và được sấy đúng kỹ thuật trước khi được bóc vỏ trấu để bảo quản, chờ chế biến thành phẩm.

Chia lãi

Đến cuối niên vụ, công ty sẽ tính toán doanh số cả năm, xác định tiền lãi để chia cho các thành viên cổ đông. Mỗi nông dân cổ đông sẽ được chia lãi theo số cổ phần của họ và đồng thời được hưởng một số tiền thưởng tính trên lượng lúa đã bán cho công ty. Như thế, nông dân tham gia công ty sẽ luôn luôn được lãi, hoàn toàn khác với nông dân cá thể mua đứt bán đoạn cho thương lái không được chia lãi gì hết. Chính sách này sẽ đổi đời nông dân, người tham gia làm chủ công ty, luôn gắn bó với công ty.

Quyền được xuất khẩu gạo

Hợp phần quan trọng trong biện pháp đồng bộ này là quyền được xuất khẩu sản phẩm gạo của các Cty CPNN. Hàng năm Nhà nước ấn định lượng gạo xuất khẩu căn cứ trên diện tích và sản lượng gạo của từng tỉnh. Sau khi trừ ra phần đóng góp vào khối lượng an toàn lương thực của cả nước, mỗi tỉnh sẽ dư ra bao nhiêu tấn gạo thì được quyền xuất khẩu khối lượng đó, không cần phải qua phê duyệt lần thứ hai của Nhà nước nữa. Trên cơ sở đó các Cty CPNN của tỉnh sẽ an tâm sản xuất để xuất khẩu. Đây là biện pháp bảo đảm khuyến khích cho sự phát triển nông nghiệp một cách đồng bộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “miệng lưỡi” phải về nông thôn đầu tư thật sự.

GS.TS Võ Tòng Xuân
Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 248


Hôm nayHôm nay : 86133

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1074869

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71302184