00:22 EST Thứ năm, 14/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Mọi cơ chế, chính sách đều nhằm nâng cao đời sống nông dân

Chủ nhật - 28/07/2013 06:20
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội; 5 năm qua, từ ngày Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, khu vực ngoại thành đã có những chuyển biến tích cực.



Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như sự vận dụng sáng tạo của từng địa phương, đời sống người nông dân được cải thiện rõ rệt, hình ảnh một nông thôn mới hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc đang dần hiện hữu. Đây là những thành tựu đã được khẳng định dù chặng đường phía trước còn không ít công việc cần thực hiện. Đó chính là nội dung cuộc trao đổi giữa Báo Hànộimới và ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội, nhân 5 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội.

Những thành công và đích hướng tới

- Thưa ông, thời gian qua, bà con nông dân và lao động sản xuất nông nghiệp đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội. Đề nghị ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

- Sau khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội có diện tích đất tự nhiên là 3.344,7km2, dân số trên 6,23 triệu người, trong đó 88,3% diện tích và 63,5% dân số ở khu vực nông thôn. 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của Hà Nội phát triển khá toàn diện, tăng trưởng luôn ở mức cao, cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp chuyển dịch tích cực, quy mô kinh tế được mở rộng. GDP của thành phố tăng trưởng bình quân 10,85%/năm (cao gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước). Những kết quả đó có sự nỗ lực đóng góp của bà con nông dân và khu vực kinh tế nông thôn.
 

Ông Trịnh Thế Khiết. Ảnh: Thái Sơn
Ông Trịnh Thế Khiết. Ảnh: Thái Sơn


- Có được kết quả đó cũng là do thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ và thành phố đã dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn sự quan tâm đặc biệt, thể hiện qua nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành…

- Đúng như vậy. Ngay sau khi Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính, ngày 5-8-2008, BCH Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Đại hội lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015), Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xây dựng 9 chương trình công tác, trong đó Chương trình số 02 xác định “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”. HĐND TP cũng đã thông qua Nghị quyết số 04/2012 về việc thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn Hà Nội. UBND TP ban hành Quyết định số 16 với 6 nội dung, lĩnh vực hỗ trợ gồm: Dồn điền, đổi thửa; sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; cơ giới hóa nông nghiệp; kiên cố hóa đường giao thông nông thôn…

- Thưa ông, đâu là điểm chung, là đích hướng tới của các cơ chế, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch… đã được ban hành?

- Đó là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao và nâng cao đời sống cùng chất lượng cuộc sống của dân cư khu vực nông thôn.

Định hình mô hình nông thôn hiện đại

- Vừa qua chúng ta đã dồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới. Cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng nông thôn mới của toàn thành phố lũy kế đến hết năm 2012 là hơn 8.514 tỷ đồng. Trong đó ngân sách của thành phố là hơn 1.491 tỷ đồng; ngân sách huyện 4.053 tỷ đồng; ngân sách xã gần 400 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 304,5 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hơn 426,2 tỷ đồng (không kể hàng nghìn mét vuông đất và hàng chục nghìn ngày công lao động); nguồn huy động khác hơn 162,3 tỷ đồng. Riêng đối với 19 xã điểm, tổng giá trị khối lượng thực hiện hơn 2.119 tỷ đồng, tổng kinh phí giải ngân hơn 1.324,5 tỷ đồng.

- Có thể nói, tại Hà Nội, mô hình nông thôn hiện đại đã được định hình?

- Hiện 100% các huyện, thị xã đã lập xong đề án xây dựng nông thôn mới, 100% số xã đã hoàn thành việc phê duyệt đề án và quy hoạch. Đã có 236/401 xã đạt và cơ bản đạt 10-19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2008-2012, ngân sách cho đầu tư phát triển cấp huyện là 2.303 tỷ đồng, bình quân 461 tỷ đồng/năm, gấp 1,5 lần so với năm 2008. Trong 5 năm, kết cấu hạ tầng cho khu vực nông thôn đã có bước phát triển nhanh chóng. Chúng ta đã hoàn thành việc xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4. 100% số xã có lưới điện quốc gia phục vụ sinh hoạt và sản xuất và đường ô tô tới trụ sở xã. Tỷ lệ xã, thôn được thu gom rác thải đạt 98% (năm 2008 là 72%). Tỷ lệ hộ nông dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt trên 86%; trên 90% số hộ dân có vô tuyến truyền hình; trên 95% số xã và 30% số thôn có máy tính kết nối internet; 70% số hộ có điện thoại…

- Ông đánh giá và nhận định như thế nào về vai trò, ý nghĩa Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô?

- Tôi cho rằng, bằng những nội dung thiết thực, phù hợp với đặc điểm, tình hình của Hà Nội, Chương trình số 02 đã cụ thể hóa chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. 

Từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống người dân

- Xây dựng nông thôn hiện đại không chỉ là sự thay đổi diện mạo của khu vực ngoại thành Hà Nội, điều quan trọng là cùng với đó phải nâng cao mức thu nhập cho người nông dân từ sản xuất nông nghiệp và không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống.

- Đây là những vấn đề có logic chặt chẽ với nhau và thể hiện rõ nét qua 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Năm 2012, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn ước đạt khoảng 17 triệu đồng/người/năm (đạt 113% so với kế hoạch năm 2012 và bằng 68% kế hoạch đến năm 2015). Tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 48% lao động xã hội khu vực nông thôn. Điều đó cho thấy cơ cấu kinh tế về dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp đã có sự thay đổi. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 42,1%. Đặc biệt, nếu như thời điểm sau khi hợp nhất tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện có nơi lên tới 13-15%, thì đầu năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của cả thành phố chỉ còn 7,52% và cho tới hết năm 2012 con số đó là 5,1%.

- Một Hà Nội văn minh, hiện đại phải có nền nông nghiệp phát triển với trình độ tương ứng. Tức là phải xây dựng khu vực nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất…

- Những công việc đã triển khai là nhằm hướng tới điều đó. Về xây dựng kết cấu hạ tầng cho khu vực nông thôn tôi đã nêu ở trên. Bên cạnh đó, thời gian qua chúng ta đã đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa để nhanh chóng đưa máy móc vào đồng ruộng, giảm sức lao động cho bà con nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất. Năm 2012 mục tiêu đề ra là thực hiện dồn điền, đổi thửa với diện tích gần 19.500ha, nhưng kết quả thực hiện đạt tới trên 35.000ha, bằng 182% kế hoạch. Nhiều vùng sản xuất chuyên canh với những mô hình có hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng/ha đã hình thành như trồng rau an toàn ở Thanh Trì, trồng hoa ở Mê Linh, nếp cái hoa vàng ở Thanh Oai… rồi các mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản…

- Như vậy sẽ không còn cảnh người nông dân chân lấm tay bùn, con trâu đi trước cái cày theo sau…?

- Tương lai sẽ là như vậy. Bà con bây giờ đi xe máy ra đồng, điện thoại di động gọi nhau; một số các chị, các cô có nói làm ruộng cũng không ai tin vì móng tay, móng chân tô vẽ cầu kỳ như đi trình diễn thời trang. Sáng ra, người có tuổi rủ nhau dậy tập thể dục, chiều về lũ trẻ hò nhau ra sân vận động chơi thể thao. Ngay như ở Sóc Sơn, có thôn lập gần chục đội văn nghệ, tối nào cũng tập tành, lời ca tiếng hát rộn ràng đầu làng, cuối xóm… Như vậy rõ ràng là chất lượng cuộc sống của người nông dân đã nâng lên rõ rệt.

Để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững

- Dù kết quả nêu trên là hết sức tích cực, tuy nhiên trong quá trình xây dựng nông thôn mới, một số địa phương cũng phải đối diện với những khó khăn. Cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Cơ chế chính sách và chủ trương của chúng ta là đúng và trúng, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Song trên thực tế cũng còn những vấn đề cần điều chỉnh. Trước hết là nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới, phần huy động người dân đóng góp bằng tiền là rất khó khi mức thu nhập trung bình của bà con là khoảng 15-17 triệu đồng/người/năm. Họ sẵn sàng đóng góp ngày công lao động, hiến đất cho cộng đồng, nhưng để đóng góp kinh phí đầu tư hạ tầng thì không dễ. Tiếp đến là những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Theo quy định thì bà con phải lập dự án, được sự thẩm định của ngân hàng và còn có nhiều thủ tục hành chính khác. Còn với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có những tiêu chí cần phải điều chỉnh do chưa sát với thực tế. Hoặc với chính sách ưu đãi, hỗ trợ bà con thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, yêu cầu đặt ra là phải mua các loại máy sản xuất trong nước. Tuy nhiên hiện nay máy móc của chúng ta chất lượng không cao, khi sử dụng thường hay hỏng hóc…

- Ở đây tôi lại đề cập tới một khía cạnh khác, đó là công tác quản lý nhà nước trong sản xuất nông nghiệp và vấn đề phát triển bền vững. Có nhiều ý kiến cho rằng tình trạng “được mùa rớt giá và mất mùa được giá” xảy ra phổ biến với người nông dân là do vai trò quản lý của ngành chức năng còn rất mờ nhạt?

- Tình trạng đó là do cung - cầu “lệch pha”. Trong khi hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân phần nhiều là tự phát thì các cơ quan quản lý nhà nước lại chưa đánh giá đầy đủ tình hình thị trường để đưa ra những khuyến cáo cần thiết.

- Một vấn đề khác, đó là việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế, ông có cho là như vậy?

- Điều đó rất cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, có như vậy chúng ta mới có những con giống, cây giống, rồi quy trình sản xuất chuẩn (khung thời vụ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chống dịch bệnh….) để cho sản phẩm nông nghiệp chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế.

- Tại sao chúng ta không kêu gọi các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp?

- Với các sản phẩm nông nghiệp, sản xuất - chế biến - tiêu thụ là quy trình khép kín, rất quan trọng, tuy nhiên hiện nay lại rất rời rạc. Người dân chỉ biết sản xuất, tạo ra sản phẩm, ít có sự gắn kết với các DN trong chế biến, tiêu thụ. Mối liên kết giữa 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân) thiếu chặt chẽ, chưa thực sự cho hiệu quả như mong muốn. Các DN ngần ngại đầu tư vào sản xuất nông nghiệp do các cơ chế khuyến khích, ưu đãi chưa rõ ràng, trong khi mức độ rủi ro cao vì thiên tai, dịch bệnh…

- Với vai trò, chức năng của mình, Hội Nông dân Hà Nội đã có những tham mưu, kiến nghị gì đối với lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng?

- Chúng tôi đã đề xuất với thành phố về những chính sách ưu đãi đối với bà con nông dân, đối với DN cũng như việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh việc liên kết, phối hợp mở các lớp đào tạo nghề; tổ chức tập huấn, giới thiệu các mô hình sản xuất, chế biến ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu… chúng tôi còn tham mưu cho các địa phương phát huy thế mạnh, xây dựng các vùng sản xuất tập trung với những sản phẩm chủ lực, có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó đề xuất với thành phố xây dựng quy hoạch tổng thể về sản xuất nông nghiệp, căn cứ vào nhu cầu cụ thể của thị trường. Đây là điều đặc biệt cần thiết để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Thực hiện đồng bộ các vấn đề nêu trên, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội sẽ phát triển bền vững, diện mạo nông thôn mới từng bước được xây dựng văn minh, hiện đại, chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn không ngừng được cải thiện.

- Cảm ơn ông về những vấn đề đã trao đổi.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 376


Hôm nayHôm nay : 21291

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 538793

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 70766108