Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang cho biết, trong số 9 xã này, mỗi xã chỉ còn hoàn thành một hoặc hai tiêu chí về giao thông, y tế, thiết chế văn hóa sẽ đạt chuẩn và tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng. Đối với giao thông nông thôn, tỉnh kết hợp nhiều nguồn vốn đầu tư từ nhân dân đóng góp, hỗ trợ của doanh nghiệp, ngân sách địa phương... khoảng 400 tỉ đồng đầu tư 495 km đường bê tông, nhựa hóa liên ấp, liên xã. Những địa phương gặp khó khăn trong huy động vốn nhân dân đóng góp sẽ vận động người dân làm nền hạ, phần còn lại Nhà nước đầu tư. Các công trình nhà văn hóa xã, nhà văn hóa ấp gắn với trụ sở ấp, Nhà nước hỗ trợ 100% về mặt bằng và cơ sở vật chất ban đầu như xây dựng hội trường, nhà thi đấu đa năng... kết hợp xã hội hóa những phần việc còn lại.
Đến nay, tỉnh Kiên Giang có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Tân Hiệp A (Tân Hiệp) và Mỹ Đức (thị xã Hà Tiên); 7 xã đạt 19/19 tiêu chí sẽ được công nhận xã nông thôn mới vào cuối năm nay; 15 xã đạt 15 - 18 tiêu chí.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới, các địa phương khó huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp 20%; nhân dân đóng góp 30% làm đường trục ấp, liên ấp. Đồng thời, việc thực hiện xã hội hóa đối với các công trình văn hóa, chợ, nghĩa trang cũng không khả thi dù Nhà nước hỗ trợ 100% mặt bằng. Mặc dù đầu tư cơ sở vật chất văn hóa cho các xã là một trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, nhưng theo định mức xây dựng từ 3 - 5 tỉ đồng/trung tâm và diện tích đất quy hoạch 2.500m²/cơ sở, tiêu chí này rất khó thực hiện, bởi việc vận động xã hội hóa trên lĩnh vực này khó khăn do đầu tư cho hoạt động văn hóa, thể thao ở những nơi này rất khó thu lợi. Ngoài ra, để quản lý, vận hành, nguồn kinh phí địa phương không tự cân đối được và chưa có bộ máy để tổ chức quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa.
LÊ HUY HẢI (TTXVN)
Theo: baocantho.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn