Từ khi năm mới dương lịch 2014 bắt đầu cho tới khi những bước chân ngựa rộn ràng dồn dập mở toang cánh cửa năm mới âm lịch Giáp Ngọ, chỉ trong vòng một tháng , các thành viên Chính phủ đã đưa ra hàng loạt những “phát ngôn và hành động” đáng chú ý.
Những phát ngôn và hành động đó được tiến hành trong những bối cảnh khác nhau, với những nội hàm ý nghĩa khác nhau, nhưng tựu trung lại, đều thể hiện mạnh mẽ tư duy đổi mới hơn nữa, lắng nghe hơn nữa ý kiến của người dân.
Đầu tiên và bao trùm tất cả, đó là thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng, được đưa ra trong ngày đầu tiên của năm 2014. Bản thông điệp đã nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, nhưng đáng quý hơn nữa là những lời góp ý – hiến kế tâm huyết để triển khai thực hiện những nội dung được đề ra trong thông điệp. Và có thể vẫn còn những ý kiến không đồng tình với điểm này điểm khác, nhưng tất cả đều ủng hộ tinh thần “không thể chần chừ” đổi mới được khẳng định trong thông điệp, mà trước hết là đổi mới thể chế, đổi mới tư duy, phát huy mạnh mẽ hơn nữa quyền làm chủ của người dân. Có thể khẳng định bản thông điệp đã khơi dậy được tinh thần đồng thuận của xã hội về những điểm mấu chốt trong tầm nhìn xa về tương lai phát triển của đất nước.
Đó là thông điệp về công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, của các cán bộ, công chức. Cuối năm 2013, con số hàng nghìn đoàn đi nước ngoài đã khiến dư luận một phen dậy sóng, song nhiều người không chú ý rằng con số đó được chính một Phó Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, một hội nghị có sự tham dự rộng rãi của báo chí. Yêu cầu hãy “mạnh dạn công khai minh bạch hết” cũng được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại đây. Theo đó, hàng loạt yếu tố liên quan đến giá xăng dầu được Bộ Tài chính công khai trước dư luận sau một thời gian rất dài câu chuyện minh bạch hơn nữa giá xăng dầu được đặt ra.
Đó là thông điệp về quyết tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng tái cơ cấu, cổ phần hóa không nhằm mục đích “giải cứu” một doanh nghiệp cụ thể nào, mà nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có thể "thi đấu" trên thương trường một cách sòng phẳng. Từ cam kết đẩy mạnh cổ phần hóa được đưa ra trong thông điệp đầu năm mới cho đến yêu cầu quyết liệt “không làm được thì mời các đồng chí nghỉ”, chỉ trong ít ngày, Thủ tướng đã phê duyệt phương án cổ phần hóa hàng chục tổng công ty.
Đó là câu chuyện về chuyến “vi hành” đến các bệnh viện cuối năm 2013 của một thành viên lãnh đạo Chính phủ ; không báo chí, không có sự đón tiếp trống dong cờ mở. Có thể ngay cả những người dân tại bệnh viện cũng không kịp nhận ra nhân vật hỏi chuyện mình là ai. Và có lẽ không ai biết về chuyến "vi hành" lặng lẽ đó nếu nó không được đề cập trên một diễn đàn không chính thức rồi mới có tờ báo thông tin lại. Nhưng ai cũng biết, nếu thực sự muốn lắng nghe và để lắng nghe ý kiến thực sự của người dân, thì có lẽ đó là một trong những cách hữu hiệu nhất.
Nhìn lại chặng đường đã qua, không thể phủ nhận bản lĩnh điều hành kinh tế-xã hội trong bối cảnh mà nhiều chuyên gia đánh giá là khó khăn nhất kể từ khi Đổi mới, với những bất ổn vĩ mô có nguyên nhân sâu xa và chủ yếu từ mô hình tăng trưởng đã không còn phù hợp. Như bài viết đầu năm mới của Thủ tướng chỉ ra, những khuôn khổ thể chế cũ đã trở nên chật chội, những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ lực để thúc đẩy phát triển. Nhưng việc đổi mới thể chế lại không thể tiến hành trong ngày một ngày hai, trong khi những khuyết tật do thể chế cũ lại hết sức cấp bách, đòi hỏi phải giải quyết ngay. Vì thế mà trong những năm qua, cơ quan chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội vừa phải có những “liều thuốc” tạm thời, trước mắt để trị những “căn bệnh” cấp tính, vừa phải tính đến những giải pháp lâu dài, căn cơ.
Nay, đã đến lúc chúng ta cần phải bắt đầu đẩy mạnh những giải pháp lâu dài và căn cơ đó. Với sự đồng sức đồng lòng của mỗi người Việt Nam, trong đó không thể không nhắc tới vai trò quyết định của người đứng mũi chịu sào trước sóng gió từ nhiều phía, con thuyền đất nước đã bỏ lại phía sau những thác ghềnh hiểm trở nhất và đang băng nhanh về phía trước.
Lịch sử cho thấy đổi mới chưa bao giờ là dễ dàng, cái mới luôn được tiếp nhận trong sự e dè, thậm chí nghi ngại. Nhưng để vững niềm tin, xin nhắc lại lời nhắn nhủ “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” của tiền nhân. Còn nói như nhà văn Nguyễn Tuân trong bài tùy bút xuân gần nửa thế kỷ trước, trong những ngày tháng khó khăn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thì “lắng nghe cái bước tới của năm mới mà càng thêm nhận rõ là thời gian chỉ có ủng hộ mình”. Vẫn còn đó không ít bộn bề lo toan, nhưng với tâm thế biết rõ “thời gian chỉ có ủng hộ mình”, với sự đồng sức đồng lòng của nhân dân, chúng ta hãy chào đón một mùa xuân mới với niềm tin vào tương lai mới, vận hội mới của đất nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn