Xây dựng thôn nông thôn tiên tiến
Đông Triều chủ động nâng chất các tiêu chí NTM ngay từ năm 2014, gắn với xây dựng thôn chuẩn NTM, thôn NTM kiểu mẫu (nay thống nhất tiêu chí, tên gọi là thôn nông thôn tiên tiến). Năm 2014, thị xã làm điểm mô hình này ở 22 thôn, năm 2015 xây dựng 68 thôn; vừa qua thẩm định có 90/90 thôn, khu (bao gồm cả các khu của 4 xã đã lên phường) đạt tiêu chí thôn nông thôn tiên tiến; đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND thị xã ra Quyết định công nhận. Năm nay, thị xã đang triển khai tiếp tại 58 thôn với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 xây dựng 138 thôn nông thôn tiên tiến.
Anh Nguyễn Trung Dũng, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM thị xã, cho biết: Việc đăng ký xây dựng thôn nông thôn tiên tiến căn cứ vào nhu cầu, các thôn đăng ký từ dưới lên. Thị xã hỗ trợ mỗi thôn 100 triệu đồng để xây dựng thôn nông thôn tiên tiến với mục tiêu yếu cái gì thì đầu tư cái đó. Mức hỗ trợ khá nhỏ, chỉ mang tính động lực, còn lại là huy động xã hội hoá tuỳ theo sức dân... Tính đến nay, các địa phương chỉ đạo, vận động được 3.550 hộ dân hiến trên 335.580m2 đất; tháo dỡ 26.200m2 tường bao; 1.580m2 công trình phụ; chặt 12.698 cây ăn quả các loại; huy động được 65.590 ngày công tham gia xây dựng NTM. Riêng 6 tháng đầu năm nay đã vận động được 211 hộ dân hiến gần 43.700m2 đất và trên 5.500 ngày công để mở rộng các tuyến đường theo quy hoạch, kết nối vào lăng mộ các vua Trần và thực hiện 2.300 tấn xi măng để mở rộng làm đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi nâng cao chất lượng tiêu chí NTM.
Kết quả, từ đầu năm đến nay, các xã đã thực hiện được 126 công trình về nhà văn hóa, kênh mương và đường giao thông nông thôn. Huy động xã hội hoá 100% kinh phí lắp đặt bể bơi cho trẻ em tại 21 xã, phường trị giá 7,2 tỷ đồng. Tổng trị giá các công trình đạt trên 12 tỷ đồng, gồm 5,8 tỷ đồng thị xã bố trí nguồn vốn NTM hỗ trợ 58 thôn; ngân sách xã hỗ trợ thêm và nguồn huy động từ nhân dân, nguồn khác trên 6,2 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, công tác huy động nguồn lực XHH trong xây dựng thôn nông thôn tiên tiến là rất lớn. Đồng thời thể hiện vai trò chủ thể của nông dân và sự vào cuộc thực sự, tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình với phương châm “Mình làm cho mình và mình hưởng thụ từ chương trình”.
Hướng đến sản xuất lớn
Năm 2016 này, thị xã cũng huy động nguồn lực tập trung phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân gắn với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn. Theo đó, mỗi xã, phường phải có ít nhất một cánh đồng lớn sản xuất tập trung. Hiện các xã, phường đã đăng ký xây dựng 36 vùng sản xuất tập trung với tổng diện tích 845ha (trồng trọt 33 vùng có diện tích 600ha, với 4.402 hộ; thủy sản 3 vùng có diện tích 246ha, với 331 hộ). Thị xã đã chỉ đạo điểm và đang triển khai xây dựng 4 cánh đồng mẫu, vùng sản xuất tập trung, gồm: Vùng sản xuất hoa và cây cảnh tại thôn Quảng Mản, xã Bình Khê; vùng lúa chất lượng cao tại xã Nguyễn Huệ và xã Bình Dương; vùng nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt tại xã Hoàng Quế. Các vùng chỉ đạo điểm này được hưởng cơ chế hỗ trợ của tỉnh về hạ tầng dùng chung, dồn điền đổi thửa, giống chất lượng cao... theo Quyết định 2901 với mức hỗ trợ từ 53,6 đến 56,1% kinh phí đầu tư. Thị xã cũng chỉ đạo xây dựng 14 vùng có diện tích trên 20ha/vùng; 11 vùng có diện tích dưới 20ha/vùng, hỗ trợ dồn điền đổi thửa, xi măng để cứng hoá kênh mương, đường nội đồng.
Bên cạnh đó, thị xã tích cực kêu gọi đầu tư khu giết mổ, khu chăn nuôi tập trung, nhân rộng mô hình trang trại hộ gia đình, nhà vườn kết hợp với du lịch. Khu chăn nuôi tập trung tại xã Bình Khê hiện đã có 10/10 hộ vào sản xuất với quy mô từ 300-500 con lợn/dãy chuồng nuôi; có 17 hộ đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong chăn nuôi lợn. Tiếp tục triển khai mở rộng khu chăn nuôi tập trung tại xã Nguyễn Huệ với diện tích 8ha. Hàng loạt dự án, quy hoạch khác dự kiến sẽ được triển khai, như: Khu giết mổ tập trung tại xã Tràng An 2ha; khu giết mổ tập trung tại xã Hồng Thái Tây 2,4ha; khu chăn nuôi tập trung tại xã Tràng Lương 40ha, do Công ty Japa Comfeed đầu tư. Thị xã cũng đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để xây dựng khu chăn nuôi tập trung tại xã An Sinh 6ha do Công ty TNHH MTV Đầu tư sản xuất Tây Quảng Ninh đầu tư; khu chăn nuôi tập trung tại xã Yên Thọ 5ha, xã Bình Dương 10ha và xã Thủy An 6ha đều do hộ gia đình đầu tư.
Thị xã đã và đang phối hợp thực hiện Khu ứng dụng công nghệ cao tại xã Hồng Thái Tây, do Tập đoàn Vingroup đầu tư với tổng diện tích giai đoạn 1 hơn 40ha; đang canh tác 25ha và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhằm thu hút lao động và thúc đẩy trình độ phát triển nông nghiệp sạch. Cùng với đó, phát triển mở rộng sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương như: Gạo chất lượng cao, gạo nếp cái hoa vàng, nhựa thông, rau củ quả an toàn, hoa và cây cảnh, na dai; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho Cam đường canh, Vải thiều Đông Triều… gắn với thực hiện Chương trình OCOP.
Với mô hình Nông thôn tiên tiến tại các xã An Sinh, Việt Dân, Bình Khê mà Đông Triều đang đi đầu làm điểm, thị xã đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là 3 xã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện nâng chất tiêu chí NTM trên cơ sở Đề cương tiêu chí nông thôn tiên tiến đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh đã hoàn thiện dự thảo Đề án. Thị xã đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực, uy tín để lập quy hoạch nông thôn tiên tiến tại 3 xã làm cơ sở để xây dựng kế hoạch; phối hợp đề ra giải pháp thực hiện, tập trung cho các dự án, công trình ưu tiên...
Ngọc Mai
Nguồn: baoquangninh