Ngành chăn nuôi trong nước rất dễ bị nhấn chìm khi TPP được ký kết
Nhiều chuyên gia lo ngại, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, dự kiến thuế nhiều sản phẩm thịt NK bằng 0%, ngành chăn nuôi trong nước rất dễ bị nhấn chìm.
5 tồn tại
Ngành chăn nuôi VN thời gian qua đang bộc lộ những tồn tại. Thứ nhất, là một ngành chuyên môn sâu nhưng tổ chức hệ thống chỉ đạo ngành chưa chặt chẽ từ trên xuống cơ sở, chưa phối hợp phát huy được vai trò tham mưu của các tổ chức xã hội nghề nghiệp; Chưa đề xuất được cơ chế chính sách trợ giúp người chăn nuôi tổ chức sản xuất, tháo gỡ khó khăn, tiêu thụ sản phẩm; Chưa tạo được mô hình liên kết chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi hàng hóa của người VN trong điều kiện tiền vốn, chính sách đất đai, tín dụng, cơ chế quản lý, văn hóa Việt… hiện hành. Nhiều tiến bộ kỹ thuật tưởng là rất đơn giản cần ứng dụng trong sản xuất nhưng các viện nghiên cứu trong nước không đáp ứng, không giải quyết được. DN, trang trại “tự bơi”.
Thứ hai, cơ sở vật chất quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi chưa có, chưa đầu tư, lạm dụng “xã hội hóa” sử dụng phòng phân tích tư nhân trong xã hội, kết quả nhiều sai khác, làm khó DN. Thủ tục quản lý, cấp phép nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất sản phẩm mới, thay đổi chóng mặt, trong khi, DN chờ đợi hàng nửa năm chưa được cấp giấy phép con. Người sản xuất, DN tự kìm chế, kiên nhẫn chờ đợi, rất ngại va chạm với cơ quan công quyền, trong khi việc chính của cơ quan quản lý cần kiểm soát chất lượng, kiểm soát chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, trong phối trộn nguyên liệu nhập khẩu lại chưa làm được.
Ba là, chưa phát huy tối đa lợi thế sinh thái của từng vùng phù hợp phát triển từng loại gia súc, gia cầm. Cơ cấu tiêu dùng xã hội đã thay đổi thì cơ cấu sản xuất cũng cần thay đổi để phù hợp và đáp ứng nhu cầu thị trường. Không thay đổi, tư duy bảo thủ, vẫn cho là VN không có lợi thế phát triển đại gia súc, không đề xuất chủ trương dành đất để trồng cỏ nuôi bò, không tổ chức, chỉ đạo tận thu rơm rạ xử lý urê sử dụng cho chăn nuôi trâu bò, để dân đốt hàng triệu tấn rơm rạ, ô nhiễm môi trường. Một sự lãng phí lớn mà các nhà lãnh đạo nông nghiệp không xót ruột. Chẳng lẽ, chúng ta chấp nhận suốt đời nhập thịt bò, sữa bò trong khi gạo ế, giá xuất khẩu thấp, đường không cạnh tranh được, dưa hấu chở lên biên giới Việt- Trung đổ đi… Đây là trách nhiệm tổ chức sản xuất, bố trí quỹ đất chưa hợp lý.
Nếu tái cơ cấu ngành chăn nuôi không xác định đúng hướng và tổ chức đầu tư sản xuất chăn nuôi không hợp lý, không quyết liệt chỉ đạo, ngành chăn nuôi sẽ gặp bế tắc và việc tiếp tục ăn thịt, ăn trứng, uống sữa nước ngoài là việc khó tránh khỏi.
Bốn là, thiếu nguyên liệu chế biến thức ăn công nghiệp cho chăn nuôi là sự thật đang diễn ra. DN FDI chiếm 60- 65% thị phần, DN nội địa chỉ chiếm 35-40% thị phần. Nguyên liệu nhập khẩu chiếm 65% thức ăn thành phẩm, cụ thể, năm 2014, sản xuất 17,5 triệu tấn thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản thì phải nhập khẩu 11,7 triệu tấn nguyên liệu giá trị 4,8 tỷ USD, trong đó, 65% giá trị nguyên liệu thức ăn giàu đạm (bột cá, khô dầu đậu tương…), 35% là giá trị nguyên liệu giàu năng lượng (ngô, lúa, bột mì…). Ngoài ra, nhập hàng vạn tấn cỏ họ đậu Alfalfa dùng nuôi bò sữa. Nói chung, phát triển công nghiệp thức ăn chăn nuôi nước ta thiếu nguyên liệu. Không có kế hoạch ngoại hối cho DN nhập khẩu nên hầu như các DN phải “tự bơi”, theo giá thị trường tự do, nhiều thủ tục hành chính phiền hà phức tạp nhưng lại phải rất tế nhị.
Năm là, DN chăn nuôi VN đang âu lo trước hội nhập. Quả thực, quả ngọt hội nhập có lẽ ngoài tầm với của DN chăn nuôi nhỏ và vừa ở VN. Nếu Nhà nước không thay đổi về cơ chế, chính sách đầu tư, cứ cung cách chỉ đạo như hiện nay, chăn nuôi sẽ vô cùng khó khăn. DN chăn nuôi có quy mô nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số trang trại chăn nuôi ở VN, tính phi chính thức lớn, quản trị DN yếu, công nghệ thấp kém khó tiếp cận nguồn vốn, thị trường, thông tin mù mờ, sức cạnh tranh thấp. Hầu như các DN chăn nuôi chưa chuẩn bị hành trang cho hội nhập, họ “lo lắng” và không hiểu rõ nội dung công cụ bảo vệ thị trường nội địa trước hàng nhập khẩu diễn ra như thế nào? Mức độ, hiệu quả? Hiện nay, chưa DN FDI nào liên kết với DN VN, hợp tác tổ chức chuỗi sản xuất cung ứng dịch vụ chăn nuôi… Cho nên, DN chăn nuôi VN âu lo hội nhập là điều không thể tránh khỏi.
2 giải pháp
Vậy làm thế nào để phát triển chăn nuôi bền vững trong hội nhập? Câu chuyện này rất khó nhưng không phải chúng ta đầu hàng, thua ngay trên sân nhà. Chúng ta phải quyết tâm làm được. Trong khuôn khổ bài viết này, xin đề cập tới một số giải pháp giúp DN chăn nuôi nói riêng và ngành chăn nuôi VN chủ động hội nhập.
Giải pháp quan trong nhất là phải làm tốt nhiệm vụ thú y. Chủ động khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm, tiêu diệt một số bệnh thông thường. Để làm tốt công tác thú y cần: Giáo dục nhân dân tự giác thực hiện tốt pháp lệnh, luật thú y, đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm… Đưa vào nội dung thi đua của các xã, thôn, huyện, hướng dẫn trong “hương ước”, “nội quy” sinh hoạt ở các làng xã, thôn, bản; Tổ chức tốt khâu tiêm phòng bệnh định kỳ; đầu tư xây dựng mạng lưới thú y đếnt ận bảng làng, thôn, xã.
Giải pháp về thức ăn chăn nuôi. Chăn nuôi càng phát triển, thức ăn chăn nuôi ngày càng có nhu cầu lớn, nó chiếm tới 65% giá thành sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, do diện tích nước ta hẹp, chỉ bố trí trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây rừng… không còn chỗ đất trống trồng cây thức ăn gia súc, trồng cỏ cho trâu, bò. Vì vậy, phải khẳng định phát triển chăn nuôi của VN phải nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là nguyên liệu giàu đạm thực vật. VN không có lợi thế trồng cây đậu tương nên 100% loại nguyên liệu giàu đạm thực vật phải nhập khẩu. Bờ biển nước ta dài 3.200km nhưng ta vẫn phải nhập bột cá 65% đạm của peru, chile… loại bột cá này tại VN mới chỉ có một vài DN sản xuất, sản lượng chưa nhiều. Vì vậy, cần đề nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích phát triển nguyên liệu bột cá, chính sách dành đất đai, chính sách khuyến khích vay vốn lãi suất ưu đãi, có ân hạn.
Bên cạnh đó, trong những cam kết đã có (WTO và FTA) và TPP sắp ký, không gian hỗ trợ và bảo vệ DN thu hẹp rất nhiều, không còn không gian bảo vệ sản xuất trong nước bằng thuế quan. Mặc dù vậy, so với không gian bị giới hạn, không gian còn lại vẫn rất rộng. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng hàng rào kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm (TPS) để bảo vệ sản phẩm nội địa chất lượng tốt, an toàn. Chúng ta có thể dùng công cụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ (TR) nếu hàng hóa nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh hay nhập khẩu ồ ạt, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Chúng ta vẫn có thể sử dụng biện pháp hỗ trợ tài chính cho DN miễn đó không phải là hỗ trợ xuất khẩu. Vẫn còn nhiều không gian khác mà VN không có cam kết. Những cam kết hiện tại mới chỉ loanh quanh hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn