Thấy tôi mải mê ngắm những lán trại mọc lên giữa đồng, anh Hồ Đình Thái, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh, vui mừng khoe: “Mấy năm gần đây, nhờ thực hiện đúng lịch thời vụ, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên rõ rệt. Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, xã cũng phát triển nhiều ngành nghề phụ giúp người dân cải thiện thu nhập, đồng thời đẩy nhanh quá trình XDNTM”.
Rời đồng ruộng, anh Thái đưa chúng tôi đến thăm những làng nghề truyền thống của xã với một niềm vui và tự hào về sự đổi thay của quê hương mình. “Văn Phong là làng quê đông dân nhưng ít ruộng, bởi vậy dân làng phát triển nghề làm chổi đót để nâng cao thu nhập. Ngót 500 năm hình thành, nghề làm chổi đót đã song hành với người dân nơi đây, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Hiện, Văn Phong đã trở thành làng nghề truyền thống, được UBND huyện Hải Lăng và tỉnh Quảng Trị công nhận, đầu tư phát triển”, anh Thái nói.
Anh Nguyễn Hữu Khoa, người làm nghề chổi đót lâu năm trong làng, cho biết: “Nhờ làm chổi đót mà cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể, làng không còn hộ nghèo, nhiều gia đình đã lập cơ sở sản xuất chổi đót và trở nên giàu có!”. Hiện, sản phẩm chổi đót của Văn Phong được tiêu thụ khắp các tỉnh miền Trung, được khách hàng ưa chuộng nhờ mẫu mã đẹp, bền và giá cả phải chăng.
Vùng đất và con người bên dòng Ô Lâu đã trải qua bao thăng trầm của chiến tranh, khai hoang lập nghiệp để đổi lấy ấm no, hạnh phúc hôm nay. Những ngày đầu đất nước mới giải phóng, Hải Chánh còn là vùng đất khô cằn sỏi đá, những chứng tích chiến tranh càng làm cho nơi đây thêm hoang tàn… Tuy nhiên, sau gần 40 năm, Hải Chánh đã có nhiều đổi thay đáng kể. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm xóa đói giảm nghèo bằng nhiều cách thức khác nhau như: đẩy mạnh khai thác các vùng đất hoang hóa, trồng các loại cây công nghiệp dài ngày ở vùng gò đồi, chú trọng phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở mang dịch vụ buôn bán và các ngành nghề khác… Đặc biệt, Hải Chánh đã biết phân bổ, tận dụng các nguồn lực lao động thích hợp, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chủ động đưa các bộ giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào đồng ruộng, thường xuyên chăm lo công tác thủy lợi, bảo đảm nguồn nước cho cây trồng… Hàng năm, xã gieo cấy được hơn 800ha lúa, năng suất bình quân 56 - 57 tạ/ha/vụ, trong đó tăng diện tích gieo cấy các giống năng suất cao như: Khang dân, Ma Lâm 48, VRT, PC6…
Một trong những chủ trương góp phần đem lại nhiều đổi thay cho đất và người Hải Chánh là phát triển đồng đều giữa cây lúa, hoa màu và cây công nghiệp. Theo đó, ngoài việc tập trung gieo cấy hết diện tích lúa, hàng năm bà con còn trồng gần 50ha lạc, 200ha sắn cao sản, 20ha ngô và hàng chục hecta cây hoa màu khác. Đối với vùng gò đồi, xã chỉ đạo các địa phương trồng 15ha tiêu, 100ha chè xanh và gần 160ha cao su tiểu điền...
Lĩnh vực chăn nuôi cũng được địa phương chú trọng phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ biết kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt nên đến nay, cuộc sống của nhân dân Hải Chánh được nâng lên đáng kể. Hiện, toàn xã còn khoảng 210/1.746 hộ nghèo, nhiều gia đình đã vươn lên khá - giàu.
Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, tuy Hải Chánh mới đạt 7 tiêu chí nhưng xã cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân. Bà con tự nguyện hiến 800m2 đất để mở rộng 3,5km đường giao thông nông thôn, trị giá gần 200 triệu đồng; xây dựng hệ thống điện thắp sáng đường quê với 95 bóng đèn, trị giá gần 100 triệu đồng....Ngoài ra, người dân cũng đóng góp hàng ngàn ngày công xây dựng các công trình hạ tầng...
Dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo và điều hành sát thực, hợp lòng dân của Đảng ủy và chính quyền địa phương, Hải Chánh đã thực sự vươn mình, nghèo khó dần lùi xa. Đảng bộ xã nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.
Chia tay vùng đất bên dòng Ô Lâu, với những người dân chân tình mến khách, tôi thấy lòng xốn xang, vui mừng trước những đổi thay nhanh chóng của Hải Chánh, nghe như nhịp sống mới đang về với đất này.
Gia Thi
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn