Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường, mỗi ngày có khoảng 2.206 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh tại các huyện ngoại thành, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 81,94%. 100% các huyện ngoại thành đã ký hợp đồng đấu thầu, đặt hàng duy trì vệ sinh môi trường. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực cao của chính quyền và người dân Thủ đô. Không những thế, UBND thành phố cũng đã triển khai nhiều dự án xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung quy mô cấp huyện, cấp vùng và thành phố với công nghệ tiên tiến, hiện đại. Trong khi chờ các dự án xây dựng và đưa vào vận hành, UBND thành phố còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách làm cơ sở để các huyện tích cực triển khai, nhân rộng dự án chôn lấp rác thải có kiểm soát, hợp vệ sinh, đáp ứng nhu cầu xử lý trong giai đoạn trước mắt.
Mặc dù vậy, vấn đề quản lý và xử lý chất thải tại khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn còn những hạn chế. Theo thống kê, hiện trên địa bàn 18 huyện ngoại thành còn khoảng 304 điểm tồn đọng với tổng lượng rác thải lưu cữu khoảng 65.000 tấn, hầu hết tập trung tại các ao, hồ, kênh, mương, xa khu vực dân cư… Có nơi còn xảy ra tình trạng tận dụng ao, hồ, vùng đất trũng để đổ rác thải, hình thành các hố chôn lấp rác tự phát, không bảo đảm quy trình kỹ thuật, gây mất vệ sinh môi trường và ô nhiễm nguồn nước. Hiện nay, chỉ có 5/18 huyện ngoại thành (Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì) có xí nghiệp môi trường đô thị là đơn vị trực thuộc UBND huyện; còn lại 13 huyện phải ký hợp đồng duy trì vệ sinh môi trường với các đơn vị xã hội hóa. Nguyên nhân của những hạn chế trên một phần là do nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng hạn chế, nhiều tuyến đường xe thu gom rác không thể vào được. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường làng, ngõ xóm, ao hồ vẫn diễn ra… Công tác quản lý trên địa bàn các huyện chưa thống nhất, có huyện giao cho phòng tài nguyên - môi trường, một số huyện giao cho phòng quản lý đô thị, có huyện lại giao cho trung tâm quỹ đất thực hiện, vì thế công tác chỉ đạo và quản lý rác thải từ thành phố xuống địa phương không thống nhất còn chồng chéo.
Để giải quyết những hạn chế, khó khăn trên, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030; ban hành Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND về quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố Hà Nội và Kế hoạch số 76/KH-STNMT về tăng cường công tác vệ sinh môi trường. Sở cũng tiến hành kiểm tra hiện trạng quản lý và xử lý chất thải rắn trên địa bàn 18 huyện, từng bước giải quyết tình trạng tồn đọng rác thải tại khu vực ngoại thành. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng trong ngành còn phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và địa phương thực hiện nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn, tích cực đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các nhà máy xử lý rác thải tập trung.
Giải quyết vấn đề rác thải tồn đọng trước mắt, UBND thành phố luôn khuyến khích UBND các huyện thành lập tổ thu gom rác tại các cụm dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn, phấn đấu 100% rác thải sinh hoạt được thu gom đưa về bãi xử lý; chủ động xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo quy mô cấp xã có hạ tầng kỹ thuật cho thu gom, xử lý khi tạm thời chôn lấp theo quy trình hướng dẫn của Sở Tài nguyên - Môi trường. Ngoài ra, các cấp, ngành cũng tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân nông thôn, giúp nhân dân hiểu và tự giác phân loại rác thải sinh hoạt, tự dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh và thu gom vỏ bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, không vứt tràn lan ra đồng ruộng... Sở Tài nguyên - Môi trường đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố xây dựng mô hình thí điểm "Thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, hướng dẫn sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng" tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Với nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành của thành phố cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng và người dân, hy vọng tình trạng rác thải tồn đọng gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường khu vực ngoại thành Hà Nội sẽ được giải quyết triệt để.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn