Đó là cách làm của Cơ quan Hợp tác phát triển (SDC) thuộc Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ thông qua Chương trình cải thiện cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình (Chương trình PSARD). Năm 2015 chương trình này mới kết thúc, nhưng ngay từ cuối năm 2014, UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định sử dụng ngân sách của tỉnh để duy trì hoạt động trong các năm tới.
Dân bàn, dân làm, dân kiểm tra
Những ngày cuối năm 2014, ông Nguyễn Văn Tỵ - Trưởng xóm Đồng Bài (xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn) bận rộn hơn bởi phải trực tiếp giám sát việc làm con đường bê tông nối từ xóm Đồng Bài ra xóm Cuốc - là điểm trung tâm của xã Phú Minh. “Con đường này dài khoảng 1km, trước đây nó là đường đất, rất lầy lội khó đi lại nên trẻ em trong xóm đi học phải đi vòng khoảng 5km, người lớn ra trung tâm xã cũng rất vất vả”- ông Tỵ bày tỏ.
Người dân xóm Đồng Bài đề xuất lên UBND xã về việc hỗ trợ xây dựng con đường này từ nguồn Quỹ Phát triển xã, Chủ tịch UBND xã - ông Hoàng Công Thực đã tổ chức một cuộc họp các trưởng thôn, xóm trong toàn xã và nhất trí dành nguồn quỹ cho Đồng Bài làm đường. UBND xã đưa hạng mục này vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của xã năm 2014 và ông Thực quyết ngay việc giải ngân.
Anh Nguyễn Tô Hoài - người dân thôn Đồng Bài cũng bày tỏ, tại các buổi họp xóm, người dân thảo luận về kế hoạch này rất sôi nổi. Khi tất cả đồng thuận, bà con chia nhau ra làm 3 tổ, mỗi tổ làm trong 3 ngày để tổ chức đổ bê tông làm đường. Anh Hoài cho biết: “Mỗi tổ trưởng có một bản dự toán và bản vẽ kỹ thuật của con đường. Làm tới đâu, chúng tôi tới nhà văn hóa thôn lấy vật liệu tới đó. Là người làm trực tiếp nên chúng tôi giám sát nguyên vật liệu đầy đủ”.
Đầu tháng 12, con đường này hoàn thành gần 300m. Còn lại 700m, ông Thực cho biết xã sẽ hỗ trợ thôn làm nốt trong năm tới. Dẫu vậy, trẻ em cũng đã đi lại được, rút ngắn quãng đường tới trường gần 4km.
Trước đó, xóm Đồng Bài cũng được hỗ trợ khoản vốn 200 triệu đồng, người dân chọn làm công trình mương thủy lợi để có thể làm được thêm vụ đông. Hiện trên cánh đồng của xóm đã bắt đầu xuất hiện các ruộng dưa chuột, khoai lang và người dân dự kiến sẽ trồng thêm các loại rau ngắn ngày để tăng thu nhập. Ông Nguyễn Văn Tỵ cũng chỉ cho chúng tôi xem một công trình thủy lợi cách đó không xa do một đơn vị cấp tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình đó hiện đang bỏ hoang do thi công phần dẫn nước từ thấp lên… cao khiến nước không vào được ruộng. “Họ tới làm không bàn bạc gì với dân, làm xong bỏ đi công trình không sử dụng cũng không có ai chịu trách nhiệm”- ông Tỵ phàn nàn.
“Với” tới những công trình nhỏ nhất
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Chương trình PSARD Hòa Bình cho biết, đây là mô hình giúp người dân có thể tham gia vào quá trình quản lý ở cấp xã thông qua việc phân cấp đầu tư, đồng thời cũng giúp cấp thôn, xã xây dựng các kế hoạch vi mô cho phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
“Để người dân tham gia được vào quá trình này, chúng tôi tổ chức các lớp học hiện trường, các buổi tập huấn về lập kế hoạch kinh tế xã hội cấp xã. Các công trình vi mô mà quỹ phát triển xã duyệt chi hỗ trợ đều phải có trong bản kế hoạch cấp xã”- ông Minh chia sẻ.
Đây là mô hình khá giống với cách làm của Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Điệp- Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Hòa Bình, sự khác biệt của nó là người dân tham gia ngay từ khâu lập kế hoạch kinh tế xã hội của xã và tự quyết việc xây dựng các công trình quy mô nhỏ, phi tiêu chuẩn như bai đập nhỏ, kênh mương nội đồng... “Chương trình 135 hay Chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều công trình lớn hàng chục tỷ đồng. Ở đây chương trình hướng tới những công trình quy mô rất nhỏ mà cấp tỉnh, huyện không “với” tới và cũng không bảo trì, bảo dưỡng được. Ban đầu khi thực hiện, các xã cũng rất lúng túng vì số liệu mỗi nơi khai một kiểu. Chúng tôi phải họp bàn và thống nhất cách lập kế hoạch và hướng dẫn người dân thông qua cuốn Sổ tay với cách trình bày dễ hiểu. Giờ xã và thôn vào cuộc tự lập kế hoạch thì năng lực của cấp thôn, xã cũng được nâng lên”- ông Điệp nói.
Vì các công trình có sự tham gia của người dân nên họ đều đóng góp thêm về công sức, nguyên vật liệu và hiến đất... Nhờ thế mà giá thành công trình giảm đáng kể. Như nhà văn hóa thôn Bảm (xã Tây Phong, huyện Cao Phong) rất khang trang, bề thế nhưng tổng giá trị xây dựng chỉ khoảng 200 triệu đồng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn