Ngày 25/5/2016, tại thành phố Cần Thơ, tổ chức Oxfam và Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) trực thuộc Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “ Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng tại Việt Nam”.
Ảnh minh họa
Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý của Tổng cục Thủy sản, Ngân hàng Nhà nước, các Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, Hội Nghề cá Việt Nam, VASEP, các doanh nghiêp, hợp tác xã và người nuôi.
Tôm nước lợ là đối tượng nuôi chủ lực quan trọng của ngành thủy sản. Trong hơn 10 năm qua, ngành sản xuất tôm đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 8,8%/năm và trở thành ngành sinh kế quan trọng cho khoảng 1 triệu người, trong đó hơn 80% là người nuôi quy mô nhỏ và tạo hơn 3 triệu việc làm trong các nhà máy chế biến thủy sản và các ngành thương mại dịch vụ liên quan.
Tuy nhiên, do có tốc độ tăng trưởng nhanh cả về diện tích và sản lượng và lại là ngành sản xuất phụ thuộc vào hệ sinh thái nước mặn, nên trong vài năm trở lại đây ngành sản xuất tôm đang phải đối mặt với nhiều thách thức để hướng tới sự phát triển bền vững và hiệu quả. Trong những năm qua, sự phát triển tự phát, thiếu quy hoạch đã gây tác động đến môi trường, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, phát sinh nhưng mâu thuànhẫn trong việc chia sẻ lợi ích giữa các nhân tố trong chuỗi sản xuất. Liên kết giữa người nuôi, người thu mua và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu còn lỏng lẻo, trong đó người sản xuất là chịu thiệt thòi nhất. Mặt khác, người nuôi đang phải đối mặt với những vấn đề như dịch bệnh, chất lượng con giống, thức ăn và các tác động của biến đổi khí hậu, khô hạn và xâm nhập mặn.
Năm 2015, xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu tôm nói riêng của Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn. Giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm giảm mạnh tới hơn 25% so với năm 2014, đạt 2,95 tỷ USD. Năm 2016 là năm được dự báo khả quan hơn năm 2015 do tác động tích cực từ các hiệp định thương mại mới được ký kết như TPP và FTA, 3 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu tôm đạt hơn 619 triệu USD, tăng 7,88% so với năm 2015. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm năm 2016 vẫn sẽ bị ảnh hưởng từ xu hướng giảm giá, các yếu tố cạnh tranh,rào cản thương mại và yêu cầu cao đối với chất lượng sản phẩm của thị trường thế giới.
Trước những thách thức và cơ hội phát triển của ngành sản xuất tôm, Dự án “ Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ trong khuôn khổ chương trình SWITCH-Asia đã bắt đầu được thực hiện từ năm 2016 với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững thông qua cải thiện những tác động tiêu cực tới xã hội và môi trường của sản xuất tôm và các hoạt động kiên quan trong chuỗi giá trị sản xuất tôm.
Dự án đề ra bốn mục tiêu cụ thể. Thứ nhất, thúc đẩy người sản xuất và chế biến tôm áp dụng và thực hành p-SIA (đánh giá tác động có sự tham gia), B-EIA (đánh giá tác động môi trường sinh học) của ASC (Tiêu chuẩn Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) và các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Thứ hai, đẩy mạnh tiếp cận tài chính và cải thiện hiệu quả sản xuất thông qua áp dụng thực hành quản lý sản xuất tiên tiến và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên như năng lượng, nước. Thứ ba, trao quyền cho người sản xuất tôm quy mô nhỏ để họ được tổ chức tốt hơn và nâng cao vai trò tập thể trong đóng góp ý kiến đối với chính phủ và các tác nhân khác của chuỗi giá trị. Thứ tư, vận động thúc đẩy chính sách tín dụng theo mô hình chuỗi giá trị có lồng ghép các tiêu chí sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Dự án được thực hiện trong 4 năm từ tháng 3/2016 - 2/2020 với kinh phí hơn 2,5 triệu Euro do Liên minh châu Âu tài trợ tại ba tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long là Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau do Oxfam và ICAFIS là đối tác triển khai. Theo cơ quan điều phối dự án, việc triển khai dự án này sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác, chia sẻ lợi ích công bằng và hiệu quả giưa các bên trong chuỗi giá trị, nhất là người nuôi tôm nhỏ lẻ. quá trình thúc đẩy sự tham gia của các bên sẽ tạo điều kiện để người dân các vùng nuôi tôm có cơ hội đối thoại với người nuôi và các bên liên quan nhằm kiểm soát và quản lý các tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã phát biểu ý kiến về thực trạng phát triển ngành sản xuất tôm cũng như đề xuất các biện pháp phối hợp thực hiện có kết quả các mục tiêu của Dự án. Ngay tại hội thảo, các đơn vị đối tác và cơ quan quản lý thủy sản của ba tỉnh tham gia Dự án đã ký bản cam kết thực hiện thành công Dự án này.
TheoLong Trì/fistenet.gov.vn