Thưa ông, sẽ có những thay đổi gì về công việc, trách nhiệm của các đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước khi Nghị định 99/2012/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 30/12/2012 tới?
Có hai nguyên tắc chính cần phải làm rõ khi nói về các nội dung mới của Nghị định 99/2012/NĐ-CP. Một là, nguyên tắc ở đâu có vốn nhà nước, ở đó có tổ chức đại diện chủ sở hữu nhà nước. Hai là, mọi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sẽ có địa chỉ chịu trách nhiệm rõ ràng, không còn tiếp diễn tình trạng cơ quan nào cũng có trách nhiệm với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhưng khi có vụ việc gì cần xử lý trách nhiệm thì không ai bị xử lý cả.
Như vậy, Nghị định 99/2012/NĐ-CP đã phân công, phân cấp nhiệm vụ cho các cơ quan, cá nhân trong vai trò đại diện chủ sở hữu một cách chi tiết và rõ ràng hơn. Mục tiêu là để đơn vị được phân công, phân cấp biết rõ được quyền làm gì, cần phải làm gì, làm thế nào để đạt mục tiêu chính là bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong các doanh nghiệp.
Nếu so với Nghị định 132/2005/NĐ-CP hiện hành, thì đầu mối thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục phân tán? Phải nói rõ là, trong khi tiến hành nghiên cứu thấu đáo phương án thành lập một cơ quan thực hiện thống nhất chức năng chủ sở hữu với doanh nghiệp nhà nước, chúng ta vẫn cần có một quy định rõ ràng và rành mạch về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức đại diện chủ sở hữu nhà nước. Về vấn đề này, Hội nghị Trung ương 6 vừa rồi đã có kết luận.
Nghị định 99/2012/NĐ-CP có thể coi là một bước quan trọng nữa trong quá trình hoàn thiện cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Mặc dù đầu mối thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước vẫn chia về các bộ, ngành, địa phương, song điểm khác biệt rất căn bản là các tổ chức đại diện chủ sở hữu nhà nước được phân rõ trách nhiệm, công việc, nhất là nhiệm vụ phải thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp nhà nước, giám sát việc thực hiện mục tiêu đặt ra với doanh nghiệp nhà nước và quan trọng là đảm bảo việc sử dụng vốn nhà nước đúng mục đích đã được phê duyệt.
Với quy định này, bất kể doanh nghiệp nhà nước nào thua lỗ, ngoài trách nhiệm trước hết của lãnh đạo doanh nghiệp, thì bộ quản lý ngành sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp. Như vậy, trách nhiệm của bộ chuyên ngành rất lớn, bộ này phải tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra thường xuyên các hoạt động của doanh nghiệp. Nghĩa là, các đơn vị này sẽ phải bắt tay vào việc một cách thực chất, sâu sát với doanh nghiệp, thay vì cách làm lâu nay là giám sát dựa trên báo cáo do doanh nghiệp gửi lên…
Với những quy định mới trên, liệu sẽ có sự can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hay không? Chủ sở hữu có nghĩa vụ bảo đảm quyền kinh doanh theo pháp luật của doanh nghiệp. Sẽ không có cái gọi là can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Theo quy định của Nghị định 99/2012/NĐ-CP, các tổ chức đại diện chủ sở hữu được phân công quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và kèm theo là công cụ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ đó. Tuỳ theo từng cấp đại diện chủ sở hữu, nhiệm vụ quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp sẽ được thực hiện trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, các quyết định… và điều lệ đã được phê duyệt của các doanh nghiệp.
Như vậy, doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện các công việc theo chỉ tiêu, mục tiêu đã định, đại diện chủ sở hữu sẽ bám sát các nội dung đó để giám sát, thổi còi khi cần thiết. Đây là trách nhiệm vô cùng lớn của đại diện chủ sở hữu để đảm bảo được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.