Những con đường mới đó đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh miền núi này.
Người dân tổ 8, phường Chiềng Sinh,TP. Sơn La vui chơi trong khuôn viên nhà văn hóa tổ. |
Khắc phục khó khăn về hạ tầng
Từ năm 2010, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Bộ tiêu chí về NTM trên địa bàn. Trong đó, Sơn La đã phê duyệt danh sách 11 xã chỉ đạo xây dựng điểm, đồng thời phê duyệt Đề án xây dựng NTM tỉnh Sơn La đến năm 2020. Mục tiêu của Sơn La là đến năm 2015, sẽ có 55 xã NTM. Ngay sau khi hoàn thiện các văn bản về xây dựng NTM, Sơn La đã tập trung vào làm hạ tầng nông thôn.
Nét nổi bật dễ nhận thấy của Sơn La là, chỉ trong vòng có 2 năm toàn tỉnh đã mở mới và nâng cấp được hơn 1.800km đường giao thông; kiên cố hóa 43,725km kênh, mương; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch NTM được 99 xã và đang triển khai quy hoạch tại 89 xã còn lại, trong đó có 62 xã đã cơ bản lập xong đồ án, trình thẩm định, phê duyệt.
Về sản xuất, trong 2 năm qua, Sơn La đã thành lập mới được 22 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Hiện có khoảng 68 HTX còn hoạt động. Toàn tỉnh mới có 15% số xã có HTX. Không chỉ chú trọng xây dựng hạ tầng, sản xuất, Sơn La cũng rất quan tâm đến việc giảm nghèo. Đến nay, toàn tỉnh còn 28,7% hộ nghèo (giảm 3,2%). Tỷ lệ xã có trạm y tế đạt 100%, trong đó 37% số trạm đạt chuẩn quốc gia (70 xã).
Nhiều xã vẫn chưa đạt… tiêu chí nào
Dù đã có những bước chuyển cơ bản, song theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Sơn La, quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh này vẫn còn rất nhiều khó khăn do nhiều xã có xuất phát điểm rất thấp. Hiện tỉnh còn 5/11 huyện, thành phố (45%) thuộc diện nghèo thuộc Chương trình 30a, 89 xã (47%) thuộc khu vực III, 1.104 bản (37,2%) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, toàn tỉnh có 14 xã chưa đạt tiêu chí NTM nào, xã cao nhất cũng chỉ mới đạt 9 tiêu chí NTM.
Theo ông Cầm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Sơn La, việc cần phải làm ngay của Sơn La là phải rà soát lại các tiêu chí NTM, trước tiên ở 55 xã điểm. Từ đó, nhân rộng mô hình; tiếp tục lồng ghép của các dự án, thiết kế mẫu xây dựng NTM đến cấp bản.
Khó khăn lớn nhất của Sơn La là, do có diện tích đất đai rộng, địa hình chia cắt phức tạp, đất dốc chiếm trên 80% diện tích, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, khả năng sản xuất và tiếp cận thị trường của nông dân khó khăn; trình độ dân trí và chất lượng nguồn lao động thấp, trình độ canh tác lạc hậu, việc tiếp thu tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất hạn chế, hiệu quả sản xuất, năng suất lao động thấp; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch thiếu đồng bộ, nông thôn phát triển còn mang nặng tính tự phát, chưa bền vững.
M.D.H
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn