Giá lúa tăng
Ông Huỳnh Phú Lộc – thương lái thu mua lúa tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang cho biết: “Hiện tại đang vào vụ thu hoạch rộ nên lượng lúa trênthị trường rất lớn. Việc thu mua rất nhanh, trung bình 1 ghe 25 tấn của tôi mua 2 ngày là đầy. Mấy ngày qua, các nhà máy mạnh dạn “ăn hàng” nên cánh thương lái cũng đẩy mạnh thu mua lúa trong dân về xay ra thành gạo nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy”. Giá gạo nguyên liệu cũng nhích lên khoảng 50 đồng/kg. Hiện tại, gạo nguyên liệu dùng chế biến gạo 5% tấm được các nhà máy thu mua với giá 6.900 đồng/kg, gạo nguyên liệu dùng chế biến gạo 15% tấm giá 6.750 đồng/kg.
Giá lúa hè thu đã tăng nhưng nông dân vẫn chưa có lời. |
Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, sau 1 tuần triển khai mua tạm trữ 500.000 tấn quy gạo (bắt đầu từ 10.7 đến 10.8), các doanh nghiệp đã thu mua được 42.000 tấn gạo. Ông Trần Thanh Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Gentraco (Cần Thơ) thông tin, đơn vị được VFA giao chỉ tiêu tạm trữ 12.000 tấn gạo, sau 1 tuần đã thu mua được hơn 6.000 tấn. Giá lúa, gạo tại đây những ngày qua nhờ đó cũng đã nhích lên từ 200 – 400 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, lúa IR 50404 tươi hiện có giá dao động từ 4.200 – 4.350 đồng/kg, tăng hơn 20% so với hồi cuối tháng 6, lúa khô cũng tăng từ 200 – 300 đồng/kg, lên mức 4.900 – 5.200 đồng/kg...
Tại chợ đầu mối Bà Đắc (huyện Cái Bè, Tiền Giang), thương lái Tư Tài cho hay, giá gạo nguyên liệu đã tăng lên đáng kể nhờ chính sách thu mua tạm trữ. Gạo nguyên liệu giống IR 50404 có giá từ 6.700 - 6.800 đồng/kg và 7.800 - 7.950 đồng/kg đối với gạo thành phẩm. Các giống lúa hạt dài có giá đạt 8.000 - 8.200 đồng/kg, tăng khoảng 300 - 500 đồng/kg.
Đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch hơn 50% diện tích trong tổng số 1,65 triệu ha đã xuống giống. Ngay thời điểm thu hoạch rộ, giá lúa tăng nhẹ có lợi cho bà con nông dân. Tuy nhiên, hiện tại giá lúa còn ở mức thấp nên dù có tăng chút ít bà con nông cũng không có lời nhiều vì chi phí sản xuất vụ này khá lớn. Thậm chí nhiều nông hộ trồng lúa chỉ huề vốn.
Xuất khẩu vẫn chưa thông
Giá lúa, gạo trong nước có những chuyển biến tốt, tuy nhiên, thị trường gạo thế giới tuần qua vẫn chưa có thêm những thông tin tích cực nào. Giá gạo xuất khẩu không tăng, hiện tại, gạo Việt Nam xuất khẩu đang có giá thấp nhất so với các nước như Thái Lan, Ấn Độ hay Pakistan. Nguyên nhân chính là các nước xuất khẩu hàng đầu như Thái Lan, Ấn Độ… đang nắm giữ lượng gạo tồn trữ khá lớn. Trong khi đó, các nước nhập khẩu chính ở châu Á năm nay được mùa nên dự báo sẽ hạn chế nhập gạo.
Ngoài ra, các DN trong nước còn cho rằng, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam nhưng hiện các thương nhân nước này tiếp tục đưa ra nhiều chiêu trò để ép giá gạo. “Hồi tháng 4 chúng tôi có ký hợp đồng xuất khẩu 5.000 tấn gạo 5% cho một đối tác bên Trung Quốc nhưng sau đó họ không chịu nhận hàng. Giờ họ đòi ký trở lại nhưng khăng khăng đòi mức giá dưới 400 USD/tấn, giảm đến 30 USD/tấn so với trước. Giá gạo nguyên liệu hiện đang tăng từng ngày, nếu ký giá này chúng tôi lỗ chắc” – giám đốc một công ty lương thực tại TP. HCM nói.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, lượng gạo tạm trữ vụ hè thu chỉ 500.000 tấn là quá thấp so với sản lượng hơn 5 triệu tấn lúa hàng hóa. “Sản lượng của An Giang ước tính hơn 1 triệu tấn nhưng chỉ tiêu tạm trữ chỉ 50.000 tấn là quá ít. Phần còn lại nông dân và DN phải tự bơi nên rất khó kéo giá xuất khẩu tăng thêm” - bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công Thương nhận định.
Theo Danviet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn