Những đổi thay cơ bản
Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nông thôn Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như: Hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, khối lượng hàng hóa ít; Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề chưa phát triển mạnh; Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất chưa thực hiện được nhiều nên đã hạn chế đưa tiến bộ kỹ thuật và cơ giới vào sản xuất; Môi trường nông thôn còn nhiều bức xúc...
Vào thời điểm này, khi đến các xã hoàn thành NTM ai cũng thấy cái đổi thay rõ nét của làng quê, không chỉ là những thay da đổi thịt về diện mạo như đường làng ngõ xóm, tất cả đều bê tông hóa, sạch sẽ; Hệ thống nước sạch, các nhà văn hóa vừa được xây cất khang trang, bề thế ở khắp các thôn; hệ thống rãnh thoát nước thông thoáng không mùi ô uế; Là trường tiểu học, trung học, mầm non đều đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư, cải tạo, xây dựng mới. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn, giao thông nội đồng cơ bản được cứng hóa hoặc tu sửa nâng cấp. Đã cứng hóa 100% đường liên xã, 84% đường trục xã, 81% đường trục thôn và 24,5% đường giao thông nội đồng. Ở 20 xã điểm hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp đạt tiêu chuẩn, điều chỉnh một số tiêu chí không phù hợp trên cơ sở hướng dẫn của Nhà nước...
Mạng lưới chợ nông thôn được nâng cấp, xây mới góp phần phục vụ nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường và phục vụ đời sống nhân dân. Trên địa bàn tỉnh đã có 15/20 xã điểm có chợ. Năm 2014, đang tiếp tục đầu tư và hoàn thiện 24 chợ ở các xã.
Bước đột phá
Sau 3 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, Vĩnh Tường là một trong những huyện về đích đầu tiên. Xã Tam Phúc một trong 3 xã làm điểm của huyện Vĩnh Tường đã công bố hoàn thành các tiêu chí theo quy định trong chương trình xây dựng NTM. Bà Trần Thị Huệ - Chủ tịch UBND xã, khẳng định: Chương trình có nhiều việc, diễn ra trong thời gian dài, có nhiều khó khăn, phức tạp. Nếu quyết tâm không cao trong lãnh đạo, chỉ đạo hoặc nóng vội, thiếu bài bản cũng không thành công. Ban chỉ đạo của xã lấy việc tuyên truyền, vận động làm khâu đột phá. Với nhiều hình thức như: Phát thanh, phát tờ rơi; mở hội nghị các ban ngành đoàn thể thảo luận, quán triệt; gặp gỡ, vận động trực tiếp nhằm làm cho mỗi gia đình nông dân hiểu rõ xây dựng NTM là vì lợi ích của mọi người dân. Và mỗi người dân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia đóng góp làm những công việc đó, làm để mình hưởng thụ. Từ đó đã khuyến khích mọi người, mọi gia đình tự giác, tích cực hưởng ứng và hăng hái, phấn khởi tham gia: Xây dựng nhà văn hóa; hiến đất ruộng, đất thổ cư để mở rộng, nâng cấp đường giao thông; dồn đổi, tích tụ ruộng đất; quy hoạch tập trung trại chăn nuôi... Nhờ vậy từng tiêu chí lần lượt được triển khai và đạt kết quả theo quy hoạch.
Xã Hợp Thịnh, Tam Dương là một trong 20 xã điểm xây dựng NTM cũng về đích. Sau hơn 2 năm xây dựng NTM, xã huy động trên 114 tỷ đồng tiền vốn, hàng ngàn ngày công... Nhờ đó hệ thống đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, sạch đẹp phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thu nhập người dân nâng cao đạt trên 25 triệu đ/người/năm. Số lao động có việc làm thường xuyên trên 95%...
Nhờ những nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới của các địa phương, đến nay 20 xã điểm xây dựng NTM đã hoàn thành. Phát huy những kết quả đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, năm 2014 Vĩnh Phúc phấn đấu có thêm 17 xã đạt chuẩn NTM; đến hết năm 2015 toàn tỉnh có 56 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 50% số xã và phấn đấu đến năm 2018 có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Văn Nhân
Nguồn: baoxaydung.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn