Gỡ nút thắt
Bản Màu nằm ngay cạnh đồn biên phòng Nậm Xe, đây là nơi cư trú của 63 hộ dân người dân tộc Giáy và Thái. Nhớ lại những mùa mưa trước đây, ông Lường Văn Tình, trưởng bản Màu, thở dài: “Cách đây vài tháng thôi, đường vào bản lầy lội lắm. Mùa mưa đến, muốn thăm nhà nhau, ai cũng phải xắn quần móng lợn lên mà đi. Không những vậy chất thải của trâu, bò, lợn, gà tràn cả ra đường, bốc mùi xú uế khủng khiếp. Đường vào bản nhỏ tẹo, xe máy chở hàng không thể chạy qua, đưa được 1 bao thóc từ nương về mệt bở hơi tai”.
Công tác ở đồn biên phòng Nậm Xe nhiều năm nay nên thiếu tá Đoàn Văn Lâm, Đội phó Đội vận động quần chúng, rất hiểu tâm tư của bà con bản Màu. Năm 2012, các chiến sĩ biên phòng ở đồn Nậm Xe quyết tâm cùng bà con mở con đường bê tông chạy qua bản. Buổi họp bản được tổ chức, các chiến sĩ ở Đội vận động quần chúng nói cho bà con hiểu sự cần thiết phải mở một con đường qua bản.
Mở đường việc buôn bán sẽ dễ dàng hơn nhưng khó nhất là lấy kinh phí ở đâu? Bà con nơi đây đa phần là hộ nghèo nên đóng góp của dân rất hạn chế. “Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nếu như bản làm đường sẽ được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ xi măng. Bà con tham gia góp công để khai thác nguồn cát, sỏi tại chỗ sẽ đỡ được nhiều kinh phí”, thiếu tá Lâm giải bài toán kinh phí trước toàn thể bà con.
Những tuyến đường đất của bản Màu được thay thế bằng bê tông
Nút thắt khó khăn nhất về kinh phí được gỡ, bà con dân bản rất đồng tình. Duy còn vấn đề nữa là nếu mở rộng đường ra 3 m, rất nhiều bà con sẽ phải nhường đất ở để làm đường. Để đả thông tư tưởng cho những hộ gia đình nơi đây, ngày đêm các chiến sĩ trong Đội vận động quần chúng và trưởng bản đến từng nhà thuyết phục, động viên họ hiến đất làm đường. Đất của bản Màu rộng mênh mông nhưng ban đầu dân bản không đồng ý hiến đất.
Lần đầu không đồng ý, hôm sau các chiến sĩ lại đến vận động. Mưa dầm thấm lâu, dần dà các hộ dân cũng hiểu ra việc hiến một phần đất mà bản có con đường rộng, đó là việc nên làm. Đơn cử như gia đình anh Hồ Văn Sủi đã hiến gần 200 m2 đất để làm đường.
Quân với dân chung một ý chí
Khi các hộ dân đã đồng ý hiến đất làm đường, các chiến sĩ biên phòng tự lên phương án thiết kế mở đường. Bản Màu có hàng chục đường ngang, ngõ tắt với độ dốc lớn khiến việc thiết kế gặp nhiều khó khăn.
“Ban ngày anh em đi đo thực địa, tối về ngồi lại với nhau bàn xem giải pháp nào khả thi nhất thì chọn. Với trí tuệ tập thể, giải pháp tối ưu nhất đã được tìm ra là mở đường trục chính rộng 2,8 m, các ngách nhỏ thì mở khoảng 1,5 m”, thiếu tá Lâm nhớ lại.
Xã Nậm Xe còn nhiều bản chưa có đường bê tông kiên cố, đây cũng là điều mà các chiến sĩ biên phòng đồn Nậm Xe trăn trở. “Sắp tới chúng tôi cũng sẽ đến vận động bà con ở nhiều bản khác của xã tham gia làm đường giống như cách của bản Màu. Khi quân với dân cùng chung một ý chí, tôi tin việc khó đến mấy cũng có cách giải quyết. Lần sau các anh lên đây, Nậm Xe chắc chắn sẽ có nhiều đổi thay”, thiếu tá Lâm tâm sự. |
Kế hoạch này được đưa tới bà con dân bản, ai cũng nhất trí. Sau khi thu hoạch lúa mùa xong, các chiến sĩ biên phòng cùng bà con xuống suối đãi cát, lấy đá sỏi để giảm bớt chi phí khi làm đường. Mỗi nhà, mỗi ngày góp 1 công. Các gia đình cứ thay nhau mà cắt cử. Ông Hoàng Văn Đức, Bí thư thôn có trách nhiệm chấm công rõ ràng. Thanh niên, trai tráng khỏe mạnh thì phá đá, mở đường, phụ nữ đãi cát, bê đất phụ giúp. Nhờ cách phân công cụ thể này, chẳng mấy chốc, hình hài con đường đã hình thành.
Tư tưởng đã thông suốt, quân với dân chung một ý chí, chẳng mấy chốc những đoạn đường được đổ bê tông ở bản Màu đã hoàn thành. Và cũng chỉ sau 2 tháng, đường ngang ngõ tắt qua bản được trải bê tông phẳng lì. Trục đường chính của bản được mở rộng rãi, xe tải 4-5 tấn có thể chạy qua. Là người trực tiếp tham gia vận động, lập kế hoạch làm đường, ông Đức vui trào nước mắt khi đi trên con đường mới vừa hoàn thành.
Đưa đôi tay run run mở sổ nhật kí ghi lại khối lượng, ngày công đóng góp của bà con, ông Đức tự hào: “Tổng chiều dài của cả đường ngang, ngõ tắt trong bản lên tới cả 1,5 km. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, bà con và các chiến sĩ biên phòng đã bỏ ra hàng nghìn ngày công, đỡ được 50% chi phí. Có đường ô tô vào bản, bà con bán ngô, trâu, bò được giá cao hơn trước”.
Đ.THÀNH
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn