Huy động sức dân xây dựng NTM
Chúng tôi về thăm xã Anh hùng Đạo Nghĩa vào những ngày đầu Xuân Giáp Ngọ. Ấn tượng ngay từ khi đặt chân đến xã là nhiều tuyến đường được trải nhựa, đổ bê-tông phẳng lì; hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố mới được xây dựng khang trang nằm giữa những vườn tiêu, cà-phê, cao-su bạt ngàn xanh tốt, cảnh người dân đi mua sắm Tết nhộn nhịp... Tất cả điều đó nói lên một cuộc sống no đủ và sung túc đang về với người dân xã Đạo Nghĩa.
Trong câu chuyện đầu Xuân với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đạo Nghĩa Phạm Minh Thu cho biết: Để xây dựng thành công chương trình NTM, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể của xã đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu. Nội dung và phương pháp tuyên truyền được xã liên tục đổi mới theo hướng phù hợp với trình độ, tập quán của nhân dân. Đặc biệt, ngay từ đầu xã đã xác định chủ thể của chương trình xây dựng NTM là nhân dân, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ nên xã luôn tạo điều kiện cho người dân được tham gia góp ý kiến vào quy hoạch, trực tiếp giám sát các dự án. Trong quá trình thực hiện, xã luôn minh bạch mọi nguồn lực, nhất là nguồn tài chính để người dân yên tâm, tin tưởng. Mặt khác, xác định nguồn vốn xây dựng NTM là rất lớn, trong khi nguồn kinh phí của Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, còn phần nhiều là huy động nguồn lực từ nhân dân nên xã không đầu tư dàn trải mà ưu tiên lựa chọn các công trình, hạng mục quan trọng, cấp thiết tập trung làm trước... Nhờ bước đi hợp lòng dân nên xã đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao từ phía người dân.
Gia đình ông Diệp Năng Thái, ở thôn Quảng Thành có tám nhân khẩu và làm được gần ba ha đất sản xuất nhưng gia đình ông vẫn thuộc diện hộ nghèo nhất thôn, toàn bộ vốn đầu tư trồng tiêu, cà-phê, cao su đều phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao, vợ phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống hằng ngày và nuôi năm đứa con ăn học... Thế nhưng, khi xã có chủ trương làm đường giao thông nông thôn, ông sẵn sàng hiến tặng khoảng 3.000 m 2 đất mặt đường, trên đất có 200 trụ tiêu, 100 cây cà-phê đang trong thời kỳ kinh doanh trị giá khoảng 500 triệu đồng để xã làm đường giao thông. Không chỉ hiến đất, ông còn vận động thêm được 20 hộ dân khác cùng tuyến đường tự nguyện hiến đất, nhờ vậy mà tuyến đường được thi công trong điều kiện thuận lợi nhất.
Một trong những tiêu chí mà lãnh đạo xã Đạo Nghĩa lo lắng nhất là công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi khi triển khai chương trình xây dựng NTM, Đạo Nghĩa là xã vùng ba, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 18 triệu đồng/năm, sản xuất còn manh mún, chủ yếu canh tác theo lối truyền thống... vì vậy địa phương xác định cần phải có bước "tạo đà" ngay từ đầu để khu vực sản xuất phát triển, hiệu quả hơn. Cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã đã vận động nhân dân đầu tư vốn xây dựng các mô hình trình diễn thí điểm trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất lúa nước, cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cử cán bộ xuống tận các hộ sản xuất hướng dẫn nông dân theo hình thức cầm tay chỉ việc nên hiệu quả trong sản xuất ngày một cao hơn, nhiều mô hình kinh tế thu nhập cao được triển khai nhân rộng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.
Với ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Quảng Thọ thì cây tiêu là cây trồng chính của gia đình đã nhiều năm nay. Do canh tác theo lối truyền thống nên hiệu quả không cao, cây tiêu thường xuyên bị bệnh nhưng khi được tham gia các lớp tập huấn, nắm vững quy trình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì hiệu quả cây tiêu đem lại cao hơn hẳn. Hiện nay, gia đình ông đang sở hữu bốn ha tiêu, mỗi năm cho thu nhập khoảng hai tỷ đồng. Theo ông Hùng thì việc xây dựng NTM không phải một, hai hộ dân là làm được mà phải tập hợp sức mạnh của toàn dân, vì vậy mỗi năm ông dành 200 triệu đồng cho các hộ có điều kiện khó khăn hơn vay không tính lãi suất, để họ đầu tư nhân rộng mô hình mới.
Phấn đấu về đích đúng hẹn
Đến cuối năm 2013, xã Đạo Nghĩa đã đạt được 15 tiêu chí về xây dựng NTM. Theo lộ trình, trong hai năm 2014 và 2015, mỗi năm Đạo Nghĩa phấn đấu thực hiện hoàn thành hai tiêu chí, đến cuối năm 2015 Đạo Nghĩa sẽ về đích. Tuy nhiên, để hoàn thành bốn tiêu chí còn lại là rất khó khăn, các tiêu chí này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn trong khi đó vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, vốn huy động trong dân đã cạn kiệt. Hiện nay, tiêu chí về giao thông đạt 60%, tiêu chí về thủy lợi chỉ đạt 20%, tiêu chí về môi trường cũng đang gặp khó khăn do đã hết quỹ đất để quy hoạch bãi rác thải sinh hoạt, hiện tại xã chưa có đơn vị thu gom, xử lý rác thải nên toàn bộ rác thải đều được người dân vứt ra vườn, rẫy hoặc sông suối gây ô nhiễm môi trường. Đối với tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, xã cũng đang gặp khó khăn. Hầu hết các nhà văn hóa thôn trước đây được quy hoạch và đầu tư xây dựng chưa bảo đảm theo tiêu chí quy định, mặt khác quỹ đất xây dựng các công trình này cũng hết nên muốn mở rộng diện tích, xây dựng khuôn viên cũng gặp trở ngại rất lớn.
Chủ tịch UBND xã Đạo Nghĩa Phạm Minh Thu cho rằng: Để hoàn thành bốn tiêu chí còn lại và củng cố vững chắc những tiêu chí khác là thách thức không nhỏ, đòi hỏi Đạo Nghĩa phải tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đưa ra những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận của toàn dân; đẩy mạnh phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng NTM", tập trung nhân rộng các điển hình tiên tiến trong việc hiến đất, góp công, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi... để tạo phong trào thi đua rộng khắp trong nhân dân.
Văn Yên
Nguồn: nhandan.com.vn