Mặc dù là huyện thuần nông, nằm trong vành đai xanh của Thủ đô, song sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ vẫn còn manh mún và thiếu tính đột phá.
Vì vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Phúc Thọ đang tập trung quyết liệt triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân.
Thiếu đột phá
Là xã điểm xây dựng NTM của huyện Phúc Thọ nhưng đến nay, sản xuất nông nghiệp của xã Võng Xuyên vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể. Ông Đoàn Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Võng Xuyên cho biết, xã có nghề trồng hành hoa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Tuy nhiên, hiện sản phẩm vẫn chưa xây dựng được thương hiệu. Cùng với đó, nhiều dự án phát triển sản xuất nông nghiệp khác cũng đang gặp bế tắc. "Dự án trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh bị hủy vì không bố trí được đất; dự án xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư chưa triển khai được do không đủ điều kiện diện tích..." - ông Ngọc trăn trở.
Mô hình trồng hành tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Quang Thiện
Nhiều xã khác trên địa bàn huyện Phúc Thọ cũng được định hướng phát triển vùng sản xuất hàng hóa như rau an toàn xã Sen Chiểu, Thọ Lộc, Thanh Đa; bưởi Vân Nam; chăn nuôi bò Thượng Cốc...
Tuy nhiên, trừ vùng sản xuất rau an toàn xã Thanh Đa 50ha đã được triển khai, sản phẩm được dán nhãn truy xuất nguồn gốc, còn lại các xã khác vẫn đang loay hoay tìm hướng đi. Ông Phùng Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, nhiều khu vực như xã Tích Giang, Hiệp Thuận, các xã ven sông Đáy được quy hoạch vùng nông nghiệp sinh thái nhưng hiện chưa hình thành rõ nét.
Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhận định, mặc dù là huyện thuần nông, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao hiệu quả canh tác, nhưng huyện Phúc Thọ chưa thực sự quyết liệt vào cuộc triển khai công tác này.
Năm 2012, Sở NN&PTNT TP đầu tư cho huyện khoảng 5 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất đậu tương, rau an toàn, cây ăn quả nhưng kết quả thực hiện được còn quá ít. "Chương trình sản xuất lúa hàng hóa của TP triển khai được 3 năm nay với diện tích 7.000ha nhưng huyện Phúc Thọ vẫn chưa tham gia" - ông Tâm cho biết.
Quyết liệt vào cuộc
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Phúc Thọ nằm trong vành đai xanh của Thủ đô nên đặc thù kinh tế của huyện trong tương lai vẫn chủ yếu là nông nghiệp.
Bởi vậy, công tác dồn điền đổi thửa, phát triển nông nghiệp hàng hóa có vai trò rất quan trọng. Năm 2012, huyện Phúc Thọ đăng ký dồn điền đổi thửa 845ha, song chỉ có riêng xã điểm Võng Xuyên triển khai 227ha, 21 xã còn lại chỉ thực hiện khoảng hơn 600ha.
Như vậy, bình quân mỗi xã chỉ thực hiện khoảng 30ha, một con số rất "khiêm tốn". Có lẽ vì vậy mà đến nay, sau hai năm triển khai xây dựng NTM, hiện huyện Phúc Thọ mới có xã điểm Võng Xuyên đạt và cơ bản đạt 14 tiêu chí; 6 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 13 tiêu chí; 4 xã đạt và cơ bản đạt từ 7 - 9 tiêu chí.
Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, huyện Phúc Thọ cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai xây dựng NTM, nhất là công tác dồn điền đổi thửa, coi đây là khâu đột phá trong xây dựng NTM.
Ngoài ra, huyện cần xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, khai thác tốt tiềm năng vùng bãi ven sông Hồng để phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, hoa, chăn nuôi bò sữa theo hướng hàng hóa, chất lượng cao.
Tại cuộc kiểm tra tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn huyện Phúc Thọ mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái yêu cầu huyện Phúc Thọ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung vào công tác phát triển sản xuất, dồn điền đổi thửa. Huyện cần phân vùng các vùng kinh tế trên cơ sở quy hoạch chung của TP. Đồng thời, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân, rút ngắn khoảng cách với khu vực đô thị. |
Thiện Quang (ktdt.com.vn)