Xây dựng nông thôn mới tại huyện Thạch Thất Phát huy vai trò của nhân dân
Thứ ba - 06/05/2014 04:27
Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được cải thiện, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày một nâng cao, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đang dần hình thành…
Đó là kết quả đạt được của huyện Thạch Thất sau 3 năm thực hiện Chương trình số 12-CTr/HU ngày 26/10/2011 về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2011 - 2015". Chuyển biến rõ nét Tiến Xuân là một xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Thạch Thất với hơn 1.700 hộ dân, trong đó, dân tộc Mường chiếm 69%. Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, huyện, xã đã luôn quan tâm tới việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, nhất là giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc. Ông Bùi Văn Tình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết, từ năm 2010, huyện đã đầu tư cho xã Tiến Xuân 60 triệu đồng để giữ gìn, phát huy những nét văn hóa truyền thống của địa phương.
Một buổi tập của đội văn nghệ xã Tiến Xuân. Ảnh: Quang Thiện
Tại xã Đồng Trúc, cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang... cũng được triển khai rộng rãi. Theo ông Kiều Việt Khi - Bí thư Đảng ủy xã, trước đây, đám cưới thường kéo dài 2 - 3 ngày, ăn uống linh đình, lãng phí nhưng đến nay, 100% các đám cưới được tổ chức gọn trong một ngày, giúp các gia đình tiết kiệm được từ 20 - 25 triệu đồng. Về việc tang, xã vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không để thi hài quá 48 giờ... Nhờ đó, đến nay, xã Đồng Trúc có 94,58% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 6/6 thôn làng được công nhận làng văn hóa. 3 năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn huyện có 130 đội văn nghệ, hàng năm tổ chức bình quân 125 buổi biểu diễn phục vụ nhu cầu của người dân, tiêu biểu là các xã Chàng Sơn, Canh Nậu, Hương Ngải, Tiến Xuân... xây dựng, cải tạo, nâng cấp 32 nhà văn hóa. Năm 2013, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa toàn huyện đạt 85%, tăng 3% so với năm 2011. Nhân rộng điển hình tiên tiến Văn hóa xã hội chiếm tới 11/19 tiêu chí nông thôn mới nên việc thực hiện các nội dung của Chương trình số 12 có ý nghĩa rất quan trọng. Mặc dù vậy, quá trình triển khai Chương trình số 12 trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế nhất định. Tình hình phát triển văn hóa, xã hội hiện chưa đồng đều giữa các địa phương. Ở một số nơi, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang chuyển biến chậm, chưa quan tâm đến bình xét gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa nên người dân chưa hưởng ứng… Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình số 12 của huyện Thạch Thất, Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến yêu cầu huyện Thạch Thất quan tâm nhân rộng những điển hình tiên tiến của huyện, xã, thôn về phát triển sản xuất và văn hóa, xã hội. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về mục tiêu, tầm quan trọng của Chương trình số 12. Qua đó phát huy tốt vai trò của tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội gắn với xây dựng Đảng, xây dựng nông thôn mới.