Chương trình xây dựng NTM ở Yên Bái mới được 4 năm, giống như việc khai mở những con đường, ban đầu thật gian khó, nay đã hiện rõ hình hài một NTM đậm chất Tây Bắc
Xây dựng đường GTNT vào thôn Tòng Pình Đó chính là động lực để Yên Bái vững bước trên con đường xây dựng NTM bằng tất cả nội lực của chính mình... Ông Hoàng Văn Tâm ở thôn Tông Pình xã Lâm Thượng (huyện Lục Yên) nhờ mấy người anh em trong làng đổ nốt đoạn đường vào nhà nối với con đường bê tông của thôn, khiến cho ngôi nhà sàn của gia đình ông nổi bật lên giữa cánh đồng. Ông bảo: Người dân ở đây bao nhiêu năm nay ao ước có một con đường sỏi để không bị lầy lội mỗi khi mưa xuống, dễ cho lũ trẻ tới trường, vậy mà có được đâu. Nay được N0hà nước hỗ trợ làm đường thì gia đình nào cũng mừng, nhà ai có đường đi qua cũng hiến đất không tính toán gì. Đường làm cho dân mình đi có cho ai đâu mà sợ thiệt? Trong lễ phát động phong trào xây dựng NTM của huyện Lục Yên tổ chức tại xã Lâm Thượng với sự tham gia của 1.000 thanh niên, cán bộ, chiến sĩ trong toàn huyện và các DN. Các tuyến đường được máy móc của DN giúp nhân dân mở tuyến, lu lèn mặt đường, còn người dân thì đào cống rãnh, vận chuyển cát sỏi... chẳng khác gì một đại công trường xây dựng NTM trong ngày phát động
Nhà của người dân thôn Tòng Pình Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Yên Bái xác định: Xây dựng đường GTNT là “xương sống” của Chương trình. Các tiêu chí xây dựng NTM đều xoay quanh trục các con đường. Bởi GTNT là niềm ao ước của người dân miền núi. Chính vì thế mà người dân hưởng ứng nhiệt tình và sẵn sàng hiến hàng vạn mét vuông đất để xây dựng đường sá, cầu cống. "Con đường xây dựng NTM ở Yên Bái còn rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đối với các xã vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của Nhà nước và các tổ chức xã hội. Nhưng với những kết quả mà 4 năm qua Yên Bái đã làm được nhất là được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân thì chắc chắn Chương trình xây dựng NTM của Yên Bái sẽ thành công", ông Mai Mộng Tuân, PGĐ Sở NN-PTNT Yên Bái. Tính từ năm 2011 đến nay, sau 4 năm xây dựng NTM, tỉnh Yên Bái đã làm được 430 km đường GTNT, mở mới nền đường được 830 km. Tính ra mỗi năm Yên Bái bê tông hoá được hơn 100 km đường và mở mới hơn 200 km nền đường. Đây là điều vượt quá sức tưởng tượng của nhiều người về sự chung tay góp sức xây dựng NTM của người dân. Không chỉ xây dựng đường GTNT, Chương trình đã lồng ghép các nguồn vốn tập trung cho nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Tính từ năm 2011 đến hết năm 2014 tỉnh Yên Bái đã huy động được 4.616,801 tỷ, trong đó vốn từ Chương trình MTQG xây dựng NTM do Trung ương cấp chỉ có 179,135 tỷ. Từ đó có thể hình dung sự đóng góp của người dân là không nhỏ. Chặng đường 4 năm xây dựng NTM ngoài việc xây dựng 430 km đường GTNT, Yên Bái đã hình thành vùng SX lúa chất lượng cao hơn 4.000 ha ở các huyện: Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên, Trạm Tấu và TX. Nghĩa Lộ; vùng chè tập trung năng suất cao 11.000 ha; Vùng tre măng Bát độ 3.000 ha ở các huyện Trấn Yên, Yên Bình; vùng quế 25.000 ha ở các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình; vùng cam: Lục Yên, Văn Chấn; vùng dâu tằm tơ Trấn Yên hơn 200 ha... Những vùng SX hàng hoá này đã mang lại nguồn thu lớn cho người dân
Chợ nông thôn - một tiêu chí xây dựng NTM
Qua 4 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, điều tra ban đầu 152 xã, chỉ có 19 xã đạt 5 tiêu chí, chiếm 12,5%, 133 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm 87,5%. Đến nay đã có 106 xã đạt 5 tiêu chí trở lên, chiếm 69,7%, 46 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đặc biệt xã Tuy Lộc, TP. Yên Bái đạt chuẩn xã NTM. Kế hoạch năm 2015 tỉnh Yên Bái phấn đấu 8 xã đạt chuẩn NTM: Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành (Trấn Yên), Đại Phác (Văn Yên), Mông Sơn (Yên Bình), Liễu Đô (Lục Yên), Minh Bảo (TP.Yên Bái), Phù Nham (Văn Chấn)
Theo: nongnghiep.vn