Cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thị trấn Đức Thọ
Đối diện cổng chợ Hôm (thị trấn Đức Thọ), cửa hàng liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh vừa được khai trương cách đây không lâu đã trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Thống - Giám đốc công ty TNHH Thống Tuấn cho biết: “Cửa hàng bán hơn 60 sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong đó, có hơn 70% là các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh. Những sản phẩm trưng bày, giới thiệu ở đây đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt nên người dân rất tin tưởng”.
Không chỉ hướng đến mục tiêu trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đây còn là kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Chỉ mới hoạt động được hơn 3 tháng, doanh số tiêu thụ của cửa hàng đã đạt gần 3 tỷ đồng. Ngoài cửa hàng tại thị trấn Đức Thọ, tại chợ Hồng Sơn – La Giang cũng vừa khai trương cửa hàng OCOP đầu tiên trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh.
Anh Trần Viết Nhân - Giám đốc Công ty CP chợ La Giang chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực kết nối các đoàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến cửa hàng để vừa quảng bá, vừa tiêu thụ hàng hóa. Các sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh như: Cu đơ, bưởi Phúc Trạch, nhung hươu, mật ong… bày bán tại đây được khách du lịch tiếp nhận tích cực. Mỗi tháng, doanh thu của cửa hàng từ các sản phẩm OCOP chiếm hơn 20%”.
Toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 5 cửa hàng OCOP ở các địa bàn: Thị xã Hồng Lĩnh, thị trấn Đức Thọ, thị trấn Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh (2 cửa hàng), với tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, các cửa hàng đang từng bước đưa sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh vào xúc tiến thương mại.
Ông Võ Tá Nghĩa - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương nhấn mạnh: “Chúng tôi triển khai thí điểm và bước đầu đã nhận được những kết quả khả quan. Các sản phẩm tại cửa hàng đều là đặc sản của Hà Tĩnh, có tem truy xuất nguồn gốc nên được người tiêu dùng tin tưởng và đón nhận. Đây là bước đệm để thời gian tới, Hà Tĩnh triển khai đề án mỗi xã một sản phẩm”.
Đề án mỗi xã một sản phẩm nhằm mục đích phát triển nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, phát triển sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu địa phương, nâng cao giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập... Để đạt được mục tiêu đó, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Bằng việc triển khai chuỗi cửa hàng OCOP thời gian qua, Hà Tĩnh đã đi trước một bước trong triển khai đề án mỗi xã một sản phẩm. Sau thành công của 5 cửa hàng thí điểm, thời gian tới, Sở Công thương dự định sẽ mở các cửa hàng ở các địa phương khác trên toàn tỉnh.
http://baohatinh.vn/
Hiện nay, Hà Tĩnh đang lấy ý kiến góp ý xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030." Dự kiến đến cuối năm 2018, đề án sẽ được hoàn thiện và triển khai đi vào thực tiễn. Nguồn kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 483,862 tỷ đồng. Trong tổng nguồn kinh phí này, ngân sách nhà nước 105,982 tỷ đồng (30%); vốn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và xã hội hóa 377,880 tỷ đồng (70%). |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn