16:37 EDT Thứ bảy, 18/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Bài học từ phong trào làng mới “SAEMAUL UNDONG”

Thứ năm - 24/12/2015 02:12
Chỉ sau 10 năm thực hiện phong trào, nông thôn Hàn Quốc trở thành một xã hội hiện đại, với 70% dân số ở nông thôn có thu nhập cao bằng đô thị, không phải do cơ sở hạ tầng tốt mà chính là cộng đồng nông thôn trở nên đoàn kết, sáng tạo, cần cù, có tác phong kỷ luật và nghiêm túc, có tinh thần tự cường, tự chủ.
Những năm đầu thập kỷ 1960, Hàn Quốc vẫn là một nước chậm phát triển. Thu nhập bình quân đầu người năm 1962 chỉ là 87 USD. Trong 10 năm (1962 - 1971), Hàn Quốc dốc toàn lực phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng trên 10%, trong khi nông nghiệp giảm tăng trưởng từ 5,3% xuống 2,5%. Sau hai kế hoạch năm năm, thành thị phát triển đối nghịch với nông thôn lạc hậu. Trong khi dân cư đô thị cạnh tranh nhau làm giàu, quyết tâm đổi đời thì đại bộ phận nông dân vẫn sống nghèo nàn trong trì trệ, họ đành rời bỏ quê hương, chạy về đô thị.

Trước nguy cơ “kinh tế tách rời, mâu thuẫn xã hội”, bước vào kế hoạch năm năm lần thứ ba (1971-1976), Hàn Quốc tìm cách lập lại “cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp”. Ba mục tiêu hàng đầu là xây dựng công nghiệp nặng, tăng xuất khẩu và phát triển nông nghiệp. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn vì điều kiện tự nhiên của Hàn Quốc rất bất lợi cho nông nghiệp: đồi núi hiểm trở, chỉ có khoảng 22% tổng diện tích đất (khoảng hơn 2 triệu hécta) có thể canh tác; mùa đông lạnh kéo dài, tuyết rơi trung bình khoảng 1.300 mm/năm. 

Phong trào Làng mới

Trong một lần đi chỉ đạo khắc phục thiên tai, Tổng thống Park Chung Hee phát hiện ra rằng giải pháp để phát triển nông thôn Hàn Quốc chính là tạo cho được tinh thần chủ động của người dân, bằng cách huy động sức mạnh cộng đồng tại mọi làng xã. Từ đó hình thành phong trào xây dựng làng mới bao gồm ba giai đoạn: 

Xây dựng cơ sở hạ tầng

Giống như Việt Nam, chính sách phát triển công nghiệp thay thế nhập khẩu của Hàn Quốc khi đó tạo ra nhiều xi măng, sắt thép thừa. Tổng thống Park quyết định mua lại sản phẩm ứ thừa tồn kho của nhà máy để trợ giúp cho các làng, vừa kích cầu, tiêu thụ sản phẩm cho công nghiệp vừa tạo ra “cú hích đột phá” trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Tổng cộng từ năm 1971 đến 1978 mỗi làng nhận được 84 tấn xi măng và 2,6 tấn sắt thép (tương đương với 2000 USD theo tỷ giá năm 1974).

Toàn bộ vật tư Nhà nước giao cho dân quản lý. Dân làng bầu ra Ủy ban phát triển nông thôn để chịu trách nhiệm toàn bộ về lựa chọn công trình cần xây dựng, thiết kế, chỉ đạo thi công, nghiệm thu công trình, tự quyết định mức độ đóng góp, mức độ bồi hoàn đất đai, nhà cửa. Đến cuối năm 1973, 108 triệu lao động nông thôn đã tự nguyện tham gia dự án và tạo ra nguồn vốn lớn gấp 10 lần đầu tư của Chính phủ. 



Sau tám năm, năm 1978, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn cơ bản hoàn thành. Từ 80% nhà lá, toàn bộ nhà nông thôn được ngói hóa, từ 27% trở thành 98% gia đình có điện, 70.000 cầu, 24.000 hồ chứa, 42.220 km đường làng được nâng cấp và xây dựng. Kết quả quan trọng nhất không phải là công trình mà là người nông dân đã trực tiếp cảm nhận sức mạnh của chính bản thân mình có thể tự đứng lên xây dựng cuộc sống và tin ở tinh thần đồng đội, tinh thần hợp tác giúp đỡ nhau. 

Nâng cao thu nhập

Bắt đầu từ sản xuất nông nghiệp (khuyến nông, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng chuyên canh), xây dựng hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trồng rừng, kinh doanh... Các làng làm tốt sản xuất nông nghiệp sẽ chuyển sang mua chung, bán chung nông sản, phát triển ngành nghề phi nông nghiệp. Hỗ trợ của Nhà nước chuyển từ hiện vật sang tiền dưới hai dạng cho vay và cho không 2.000 USD/làng. 

Khoảng 750 ngàn nông hộ ở 137 vùng được hỗ trợ và khuyến khích sản xuất, chế biến, kinh doanh 21 mặt hàng: gia cầm, thịt bò, sữa bò, dâu tằm, hoa màu, cây ăn quả, cá, nấm... Kết quả trong vòng sáu năm, thu nhập bình quân các nông trại tăng gần ba lần, từ 1.025 USD năm 1972 lên 2961 USD năm 1977. Và đến đầu thập kỷ 80, một điều kỳ diệu diễn ra: giữa lúc Hàn Quốc đẩy nhanh công nghiệp hoá, đô thị hoá thì thu nhập gia đình nông thôn phát triển nhanh đến mức tương đương thu nhập bình quân của các hộ ở thành phố và cơ cấu kinh tế nông thôn trở nên đa dạng với các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển. 

Hoàn chỉnh hệ thống dịch vụ phúc lợi xã hội 

Sau khi đã có thu nhập khá giả, nhà nước mới cùng với nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng tiến hành điện khí hóa, phổ cập điện thoại, hoàn chỉnh hệ thống nhà trẻ, trường học, y tế, thư viện, hệ thống cấp nước, phát triển tín dụng nông thôn, nâng mức sống của cư dân nông thôn lên hiện đại như đô thị đồng thời thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn. Kết quả quan trọng nhất giai đoạn này không phải là đô thị hóa nông thôn mà là hài hòa phát triển kinh tế xã hội cả nước, đưa cư dân đô thị về sống, về du lịch nông thôn, gắn đô thị với nông thôn và phát triển công nghiệp chế biến, gắn công nghiệp với nông nghiệp. 

Bài học thành công

Nhìn khái quát, thành công của Hàn Quốc trong phát triển nông nghiệp do mấy nguyên nhân chính sau:

Phong trào Saemaul Undong (SU) Hàn Quốc diễn ra trong hàng chục năm, đi từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn, tự tích luỹ sức dân để dân đầu tư cho mình. Giai đoạn đầu, người dân chỉ đóng công sức và rất ít tiền. Chỉ đến năm thứ ba trở đi mới bước sang phát triển sinh kế, đến khi thu nhập tăng, mới huy động đầu tư đi kèm chính sách hỗ trợ tín dụng và mở mang thị trường. Lúc thu nhập nông thôn bằng thu nhập thành phố thì vốn của doanh nghiệp cũng đầu tư mạnh về nông thôn. Việc đi từng bước còn cho phép nhà nước tập trung đủ vốn vào mục tiêu ưu tiên, tạo quỹ thời gian để dân thay đổi tư duy, đủ thời gian để xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. Thời gian là vốn quý nhất mà Hàn Quốc dám dành cho phong trào SU và ở Việt Nam bị lãng phí trong cuộc chạy đua thành tích.



Trong phong trào SU không có chuyện chợ xây ra không ai họp, nhà văn hóa làm xong bỏ hoang,... vì mọi công trình đều do “Ủy ban Phát triển Làng mới” của dân từng làng bầu ra. Người dân tự lựa chọn dự án, chọn thiết kế, quản lý lao động, vật tư và tiền của cả nhà nước cho và dân đóng góp. Trong khi đó, chương trình nông thôn mới (NTM) ở ta quản lý theo Luật Ngân sách nên phải do chính quyền xã nắm. Công trình lớn hơn còn phải gánh phí thiết kế, thuê tư vấn, bên A, bên B… có chậm trễ, lãng phí hay không đều trông cậy ở chất lượng cán bộ. Cấp xã Việt Nam là cấp Nhà nước cuối cùng, thượng vàng hạ cám đổ xuống, lãnh đạo xã phải có ba đầu sáu tay để đáp ứng mọi chỉ đạo của các bộ ngành và chính quyền tỉnh, huyện. Công việc quá tải mà lương lại thấp nên chuyện xà xẻo, lợi dụng là cám dỗ khó tránh. 

“Thủ lĩnh cộng đồng”. Để chỉ đạo cơ sở, phong trào SU giao trách nhiệm cho “Thủ lĩnh cộng đồng”. Đó là một nam và một nữ có tâm, có tài do dân mỗi làng tự bầu ra để đứng đầu “Ủy ban Phát triển Làng mới. Để duy trì sức mạnh từ dưới lên, Park Chung Hee chủ trương thủ lĩnh của cộng đồng phải độc lập với chính quyền và đảng phái chính trị. Nhà nước không cho họ một trợ cấp vật chất nào, (nếu có thì do dân quyết định và đóng góp). Động lực chính là động viên tinh thần từ phía Chính phủ và sự tin cậy của dân. Họ có quyền gặp lãnh đạo ở mọi cấp vào bất kỳ lúc nào. Con cái được cấp học bổng... Hằng năm Nhà nước tổ chức đại hội toàn quốc, trao giải thưởng và tuyên dương điển hình. Huân chương “Saemaul” là phần thưởng cao quý quốc gia trao cho lãnh đạo cộng đồng xuất sắc. Người lãnh đạo cộng đồng có năng lực được đề bạt làm lãnh đạo chính quyền. 

Đào tạo cán bộ cơ sở. Trong phong trào NTM, mỗi khi bàn đến phân cấp, trao quyền thì ý kiến phản đối thường gặp là năng lực cán bộ cơ sở quá yếu, không thể đảm đương trách nhiệm. Đây là chuyện không tránh khỏi khi chương trình triển khai vội, kiến thức nhồi nhét qua vài lớp tập huấn ngắn ngủi. Trong phong trào SU, cán bộ cơ sở được tập huấn năng lực mạnh dần theo phong trào. Chính phủ xây dựng ba trung tâm đào tạo quốc gia khang trang như trường đại học lớn (có giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện, hội trường, sân vận động, bể bơi, nhà thể thao, ký túc xá,…). Nhà nước đài thọ chương trình đào tạo trong vòng một - hai tuần với nội dung cụ thể gắn với từng giai đoạn của phong trào (khi xây nhà thì dạy về vật liệu, giá cả, nơi mua vật tư, cách thiết kế, kiểm soát thi công,…) có thực hành, tranh luận, hỏi đáp. Học xong về địa phương làm. Hoàn tất giai đoạn này thì học sang giai đoạn sau. Có kết nối với trường, với thầy để xin tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài ra trường còn dạy các kỹ năng quản lý cộng đồng (cách nói, cách viết, cách điều hành,…). 

Học viên của trường sinh hoạt gắn bó và hòa đồng: mặc đồng phục, ăn cơm tập thể, ngủ giường tầng, sáng tập thể dục, ban ngày tham gia học, tối hội họp lửa trại. Để gắn kết giữa mọi tầng lớp xã hội với phong trào làng mới, Tổng thống Park Chung Hee còn cử 50 lãnh đạo đứng đầu bộ, ngành và hàng ngàn quan chức địa phương đến tham gia học tập tại các trung tâm đào tạo. Ông còn mời 2.300 giáo sư, 600 nghệ sỹ, các nhà văn, nhà báo, tôn giáo đến sinh hoạt, dự học với học viên. Sự hòa đồng khiến học viên nông dân trở nên tự tin, còn lãnh đạo gắn bó với nông dân, tầng lớp trí thức và các nhà hoạt động xã hội cảm thông và hỗ trợ phong trào SU. 

Xoá bỏ tư duy ỷ lại. Từ 45 năm trước, Park Chung Hee đã chỉ mặt kẻ thù chính cản nông thôn phát triển là tư duy ỷ lại. Mọi chính sách của SU đều nhằm mục tiêu xóa bỏ ỷ lại: không lấy xã nghèo/giàu làm tiêu chuẩn lựa chọn đầu tư. Ngay từ đầu, 16.000 làng chọn để tiến hành chương trình một cách ngẫu nhiên, hằng năm đánh giá hiệu quả rõ ràng và minh bạch. Kết quả không tính bằng các “tiêu chí” cứng (có lợi cho các địa phương giàu đã ở gần đích) mà tính bằng mức độ cố gắng (đo bằng khoảng cách tiến bộ từ các mức xuất phát điểm khác nhau). Kết quả tốt xấu đều công bố công khai. Nơi nào thực hiện thành công mới được tiếp tục hỗ trợ. Chính vì thế SU không phải là một “chương trình” mà là một “phong trào” thi đua sôi nổi của người dân. 

Các làng tổ chức đánh giá chéo kết quả của nhau, làng nào làm tốt mới được tiến sang bước sau, làng kém bị gạt lại tự lo mà tiến lên. Năm 1971, có 33.000 làng tham gia chương trình. Năm 1972, chỉ có 50% số làng đạt kết quả, được đi tiếp sang bước 2. Năm 1973 chỉ còn 6,7% số làng đạt loại giỏi để đi sang bước 3. Thi tuyển gay gắt mà kết quả lại công bố công khai, đài báo ca ngợi làng giỏi, chê bai làng kém. Cả nước thành một cộng đồng và khen chê dấy động lòng tự trọng của mọi người. Người sống ở đô thị, làm cơ quan nhà nước, định cư ở nước ngoài cũng phấn khích góp công, gửi của đưa làng mình đi lên, có tiếng thơm. Đến năm 1976, tỷ lệ làng căn bản chỉ còn 1%, làng trung bình chiếm 54% còn 45% đã đạt làng giỏi. Phong trào thi đua giữa các làng lan ra toàn quốc.

Vai trò của người đứng đầu. Nhiều quốc gia coi công tác phát triển nông thôn là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn, Tổng thống Park coi đây là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Vì phong trào nhắm vào tổ chức và phát triển con người, Bộ Nội vụ được giao làm cơ quan điều phối chính cho Ủy ban TƯ phát triển Làng mới. Chủ nhiệm Văn phòng là Trợ lý Bộ trưởng Các vấn đề kinh tế. Ủy ban có 12 điều phối viên là Thứ trưởng các Bộ. Những Hội đồng kiểu này, nước ta có đến hàng chục cái và có lãnh đạo không nhớ nổi mình đang là thành viên của Ủy ban nào nhưng ở Hàn Quốc, Tổng thống đã trực tiếp dẫn dắt Ủy ban Phát triển Làng mới trở thành Bộ chỉ huy thực sự của Chính phủ với phong trào. 

Ông khéo biến cuộc họp định kỳ hằng tháng của Hội đồng Chính phủ thành giao ban Phong trào. Vào 15 - 30 phút cuối mỗi phiên họp, ông dành thời gian cho hai lãnh đạo phong trào ở làng và địa phương báo cáo về khó khăn và đề xuất của nông dân. Các Bộ trưởng trực tiếp nghe và bàn với dân dưới sự chủ tọa của Tổng thống. 

Thành công của phong trào SU đã vượt xa mong đợi. Với 70% dân số ở nông thôn có thu nhập cao bằng đô thị, giai cấp nông dân đã thành công lột xác, đi vào xã hội công nghiệp. Kỳ diệu là nhân dân thành phố, các công xưởng, cơ quan trên toàn quốc bắt đầu quay lại học tập tinh thần cộng đồng của phong trào SU ở nông thôn. 


Sinh ra từ một gia đình nông dân, những việc ông làm cho nông thôn xuất phát từ tình cảm chân thực, không để tô vẽ cho mình. Hầu hết các ngày nghỉ cuối tuần, Park Chung Hee lẳng lặng đến từng làng thăm hỏi. Ông đã đến 3.000 làng cả nước, không nghi lễ và không báo trước. Nhiều nông dân tiên tiến và lãnh đạo cộng đồng được ông mời ăn cơm. Tổng thống sáng tác bài hát của phong trào và cho làm lá cờ Saemaul Undong… đưa người nông dân từ thân phận thấp kém lên vị trí trung tâm của xã hội, đem cho họ niềm tự hào, tin tưởng ở tương lai.
Theo Đặng Kim Sơn/tiasang.com.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: nông thôn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 270

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 267


Hôm nayHôm nay : 61900

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 970415

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 61292372