Việc Bộ NN&PTNT vừa có đề xuất Bộ Tài chính bãi bỏ 31 loại phí, lệ phí trong kiểm dịch thú y đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, và 17 tỉnh phía Nam đã kiến nghị dừng thực hiện quy định này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, quan điểm của Bộ là những phí nào thu bất hợp lý thì phải loại bỏ. Kẻ mừng, người lo Trong công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đề nghị bãi bỏ 14 mục thu lệ phí quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư 04/2012/TT-BTC ngày 5/1/2012, chủ yếu là các loại phí liên quan đến cấp giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, kiểm dịch động vật... Cùng với đó, Bộ cũng kiến nghị bỏ 17 loại phí gồm 4 mục thu phí phòng chống dịch bệnh cho động vật và 13 mục thu phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiểm tra vệ sinh thú y quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư 04. Đề xuất bỏ 31 loại phí kiểm dịch thú y lần này được coi là động thái "giữ lời hứa" của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát sau phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội hôm 11/6.
Kinh doanh gia cầm tại chợ Hà Vỹ, huyện Thường Tín. Ảnh: Quang Thiện
Ngay sau khi Bộ NN&PTNT có văn bản này, 17 chi cục thú y các tỉnh phía Nam đã đề nghị 2 Bộ giữ nguyên mức thu phí như hiện nay. Theo lý giải của các đơn vị này, việc thu phí chính là "nguồn" duy trì một phần hoạt động của các chi cục thú y, nếu không thu phí sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân viên vì không có tiền trả lương! Tuy nhiên, lý lẽ trên không mấy thuyết phục khi mà tình trạng lạm thu phí vẫn đang tồn tại ở nhiều địa phương, gây khó khăn cho sản xuất và lưu thông. Bởi vậy, đề xuất bãi bỏ 31 loại phí kiểm dịch thú y đang được nhiều người chăn nuôi và DN đồng tình ủng hộ. Ông Đỗ Mạnh Phú - chủ trang trại chăn nuôi gà tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội chia sẻ, hiện nay có quá nhiều loại phí kiểm dịch trong chăn nuôi, từ giấy kiểm dịch, tem kiểm dịch, phí tiêu độc khử trùng môi trường... Với quy mô nuôi gần 20.000 gà đẻ/lứa, mỗi tháng ông Phú phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng tiền phí các loại. "Nếu bãi bỏ 31 loại phí thì sẽ giảm rất nhiều giá thành sản phẩm chăn nuôi" - ông Phú chia sẻ. Ở góc độ DN, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, đại diện Công ty Ba Huân - một DN chuyên cung cấp trứng gia cầm cho biết, việc thu phí hiện tại chỉ mang tính hình thức, chủ yếu cho đủ thủ tục giấy tờ. Do đó, nếu bỏ các loại phí sẽ giảm giá thành sản xuất, bà con nông dân bớt đi một số chi phí và DN cũng bớt gánh nặng chi phí kiểm dịch, “bôi trơn”... Khi đó, khâu sản xuất, lưu thông sẽ nhanh chóng, thuận tiện hơn và chính người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi. Bất hợp lý thì phải bỏ Theo đại diện một số DN và người chăn nuôi, không chỉ bãi bỏ 31 loại phí như đề nghị của Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành cần phải tiếp tục rà soát, xem xét hướng tới loại bớt dần các khoản phí đánh vào sản phẩm chăn nuôi để giảm giá thành sản xuất. Có như vậy, sản phẩm chăn nuôi trong nước mới có cơ hội cạnh tranh được trên thị trường, nhất là khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực, mức thuế nhập khẩu chỉ còn từ 0 - 5%. Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Nguyệt Hường rất tán thành việc Bộ NN&PTNT chủ động đề xuất bãi bỏ 31 khoản phí kiểm dịch gia cầm. Bà Hường cho rằng, đây được coi là biện pháp kịp thời để hỗ trợ ngành chăn nuôi, nhất là trong điều kiện lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Giảm phí kiểm dịch sẽ giúp giá thành sản xuất giảm và người dân có điều kiện để nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy, 31 khoản phí kiểm dịch gia cầm đã và đang tạo gánh nặng cho DN, người tiêu dùng và người chăn nuôi. Mặt khác, Thông tư 04 của Bộ Tài chính quy định về thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y thể hiện sự trùng lặp và chồng chéo. Tuy nhiên, điều mà không ít người lo lắng là khi loại bỏ việc thu phí, liệu hoạt động kiểm dịch của cơ quan thú y có bị lơi là và chất lượng sản phẩm chăn nuôi có bị thả nổi? Ông Lê Quang Hải - Trạm trưởng Trạm Thú y thị xã Sơn Tây chia sẻ, hiện nay trên địa bàn, việc thu phí kiểm dịch thú y thực hiện được chưa nhiều, trong đó có kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm do chưa có cơ sở giết mổ tập trung. Việc bỏ thu phí, theo ông Hải, sẽ giảm bớt áp lực công việc cho đội ngũ thú y, song vấn đề ATTP có khả năng diễn biến phức tạp hơn. "Phải có chế tài xử phạt mạnh để nâng cao nhận thức của cả người sản xuất và người kinh doanh" - ông Hải đề xuất. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, việc bỏ thu phí đúng là có ảnh hưởng đến nguồn thu của hệ thống thú y nói chung và đặc biệt là một số lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào nguồn thu này. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là việc thu phí có hợp lý hay không. Nếu không hợp lý, không hợp lòng dân thì phải nhất quyết bỏ. Còn trách nhiệm của hệ thống thú y đã được Nhà nước tổ chức, giao nhiệm vụ thì phải thực hiện. Nếu còn khó khăn gì thì báo cáo chính quyền các cấp để giải quyết, nơi nào lơi là để dịch bệnh lây lan thì nơi đó phải chịu trách nhiệm.