Hưởng ứng phong trào: "Thanh niên lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ tổ quốc" do Trung ương Đoàn phát động, Huyện Lộc Hà đã xuất hiện nhiều tấm gương đoàn viên tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Tiêu biểu có anh Nguvễn Hồng Sơn, chủ cơ sở nuôi trồng hàu thương phẩm bằng lồng bè tại biển Cửa Sót, xã Thạch Bằng.
Tốt nghiệp đại học với chuyên ngành Công nghệ thông tin nhưng Nguyễn Hồng Sơn không tìm việc làm tại các công ty hay cơ quan nhà nước như bạn bè cùng trang lứa mà chọn con đường lập nghiệp bằng chính bàn tay, khối óc của mình trên mảnh đất quê hương tại thôn Phú Mậu, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà. Sau nhiều năm lăn lộn làm thuê đủ mọi nghề, ở nhiều miền quê, nghề nuôi hàu Mỡ trên bè tại vùng biển Ninh Thuận đã để lại cho Nguyễn Hồng Sơn nhiều ấn tượng nhất. Theo anh, đây là một loại thủy sản dễ nuôi, thời gian sinh trưởng không dài lại cho lợi nhuận cao. Ý nghĩa đưa mô hình Hàu Mỡ thương phẩm trên bè về phát triển tại vùng biển quê nhà luôn nung nấu trong anh.
Anh Nguvễn Hồng Sơn, chủ cơ sở nuôi trồng hàu thương phẩm bằng lồng bè tại biển Cửa Sót
Thấy được tiểm năng lợi thế của quê hương, anh đã mời các chuyên gia về khảo sát mặt bằng và nguồn nước tại lạch Cửa Sót, đồng thời lặn lội ra tận vùng biển Quảng Ninh, Thái Bình để học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm thị trường con giống. Nghĩa thì đơn giản nhưng những ngày đầu bắt tay vào công việc, Sơn gặp không ít khó khăn. Lạch Cửa Sót là cửa biển có dòng chảy xoáy. Mỗi đợt thủy triều lên, cửa biển luôn bị nạn bèo Tây từ vùng thượng nguồn trôi dạt về dày đặc gây cản trở không ít đối với việc đi lại của tàu thuyền và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Không nản chí trước khó khăn, Nguyễn Hồng Sơn đã xin phép chính quyền địa phương được sử dụng vùng Cửa biển và mạnh dạn vay vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng lắp đặt hệ thống lưới bè trên mặt biển để nuôi trồng con Hàu mỡ thương phẩm. Thực hiện phương châm: Lấy ngắn nuôi dài, Sơn đầu tư thêm lưới bè nuôi thả cá Vược và cá Hồng Mĩ để tận dụng nguồn con giống và thức ăn sẵn có trong tự nhiên.
Để tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và giảm bớt giá thành sản phẩm, hàng ngày Sơn khai thác và thu mua thêm nguồn cá tự nhiên của bà con ngư dân quanh vùng đánh bắt về để thay thế thức ăn công nghiệp. Sau nhiều tháng tìm tòi vừa nghiên cứu vừa nuôi khảo nghiệm, mô hình nuôi Hàu mỡ thương phẩm lồng bè trên biển của anh Nguyễn Hồng Sơn đã cho hiệu quả khả quan. Con Hàu phát triển tốt, hoàn toàn thích ứng với điều kiện khí hậu và nguồn nước tại vùng biển này. Hiện tại, gần 1ha mặt nước Anh đã có 12 lồng bè nuôi Hàu mỡ thương phẩm và 6 lồng cá các loại.
Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi, dám nghĩ dám làm, Nguyễn Hồng Sơn đã thành công trên con đường thực hiên ước mơ là đưa được con Hàu thương phẩm về nuôi trên chính vùng biển quê nhà. Lần đầu tiên con Hàu Mỡ thương phẩm được phát triển trên vùng biển Hà Tĩnh. Mặc dù mới chỉ là kết quả bước đầu, song mô hình nuôi Hàu thương phẩm lồng bè trên biển đã cho hiệu quả trông thấy, được các cấp các ngành đánh giá cao.
Không dừng lại với những gì đã có, Nguyễn Hồng Sơn đang dự định mở rộng quy mô mặt nước kết hợp nuôi Hàu thương phẩm với các loại cá, cua, tôm để nâng cao thu nhập. Khó khăn nhất đối với Sơn hiện nay là nguồn vốn đầu tư làm lưới bè và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Rất mong được sự quan tâm giúp đỡ của các ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt bằng để Sơn yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài./.
Theo Hồng Lam/Lộc Hà