Thời gian gần đây, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đang gấp rút xây dựng, hoàn thiện từng tiêu chí để phấn đấu sang năm 2016 về đích nông thôn mới. Thế nhưng, khi Đảng bộ và nhân dân đang tập trung, huy động mọi nguồn lực làm đường giao thông nông thôn để hoàn thành tiêu chí giao thông thì tuyến đường Tỉnh lộ 547 đi qua địa bàn xã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành tiêu chí và đây cũng là bài toán khó giải của địa phương.
“Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng nông thôn mới năm 2015 trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện và các ban ngành cấp huyện cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, nhân dân xã nhà nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 tiếp tục được tăng trưởng, chương trình nông thôn mới đạt được nhiều kết quả khả quan”, ông Nguyễn Thái Tứ - Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm chia sẻ với PV Phuongnam.Net.Vn.
Theo đó, cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 28%, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 12%, thương mại – dịch vụ 29%, các thành phần kinh tế khác 31%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 18%/15% KH. Thu nhập bình quân đầu người 28 triệu đồng/người/năm. Đường giao thông nông thôn được làm mới rộng rãi
Công tác văn hoá – xã hội cũng được quan tâm chú trọng, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước kịp thời đến người dân. Phong trào văn hoá – văn nghệ, thể dục – thể thao quần chúng, phong trào “Toàn dân đoàn kết cây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư’ phát triển mạnh mẽ. Chất lượng giáo dục trên địa bàn được giữ vững, công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân thực hiện tốt…
Đặc biệt, trong năm 2015, xã đã tập trung xây dựng nông thôn mới, phấn đấu về đích vào năm 2016. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã và đang nỗ lực hết mình, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm vừa qua, UBND xã đã nhận 346 tấn xi măng để xây dựng các tuyến đường với chiều dài 2.850m. Xây dựng 2 tuyến kênh mương bê tông theo chương trình hỗ trợ xi măng chiều dài 660m, xây dựng 1 tuyến kênh mương bê tông theo chương trình chống hạn dài 485m và 1 tuyến theo chương trình lồng ghép dài 650m. Đổ cột bê tông cắm mốc giao thông nông thôn, đường nội đồng, cắm biển báo trọng tải giao thông ở đường liên xã, liên thôn… Đầu tư xây dựng nhà giao dịch một cửa và khuôn viên UBND xã, xây dựng 4 phòng điều trị trạm y tế, 6 phòng học trường mầm non, 2 cây cầu dân sinh và một số tuyến mương tiêu úng trong khu dân cư…
Tuy nhiên, hiện nay, xã lại đang gặp vướng mắc để đạt chuẩn tiêu chí giao thông. “Khi mà các tuyến đường giao thông nông thôn đã được xã và nhân dân tập trung xây dựng hoàn thành thì tuyến đường Tỉnh lộ 547 đi qua địa bàn xã lại xuống cấp trầm trọng vượt quá sức sửa chữa và xây dựng của xã và nhân dân trên địa bàn”, ông Tứ chia sẻ. Đường tỉnh lộ 547 đoạn qua địa bàn xã xuống cấp nghiêm trọng
Theo ông Tứ, tuyến đường Tỉnh lộ 547 được làm từ năm 1996 với chiều dài từ ngã tư xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân đến xã Hộ Độ huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đầu năm 2004, đường được quy hoạch lại với chiều rộng 35m, diện tích sử dụng chiều rộng 18m, đường đổ nhựa là 3,5m, đường đi qua xã Cổ Đạm từ km6 đến km8.
"Do là tuyến đường Tỉnh lộ nên lưu lượng người và các loại phương tiện giao thông tham gia nhiều nên tuyến đường đã xuống cấp trầm trọng, hiện nay có những đoạn xuất hiện “ổ gà, ổ voi” rất nguy hiểm, thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn ảnh hưởng không nhỏ đến người tham gia giao thông và việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt trong những giờ, những ngày cao điểm và trong mùa mưa lũ", ông Tứ cho biết thêm.
Bên cạnh đó, đến nay xã đạt được 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu về đích vào năm 2016 nhưng tuyến đường tỉnh lộ này lại là 1 trục đường chính của xã mà chưa được quan tâm đầu tư xây dựng. Đây là một bài toán khó cho xã và nhân dân trên địa bàn.
Ông Tứ chia sẻ: “Tuyến đường Tỉnh lộ này có vai trò vô cùng quan trọng, vừa giúp người dân lưu thông vừa góp phần vào tăng trưởng các loại dịch vụ thương mại, phát triển kinh tế - xã hội đồng thời để xã về đích nông thôn mới theo đúng kế hoạch. Vì vậy, Đảng bộ và nhân dân rất cần sự quan tâm đầu tư của Sở GTVT, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các tổ chức doanh nghiệp để xây dựng con đường đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân cũng đảm bảo cho xã có thể về đích 2016”. Theo Trần Công/phuongnam.net.vn