Vườn cam 500 gốc của anh Nguyễn Quốc Cần (thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh) còn hơn khoảng 6 tấn quả, trong đó hơn 1/2 là cam chanh. Hiện có rất nhiều thương lái đến tận vườn mua với giá 32.000đ kg cam bù, 40.000đ/kg cam chanh, nhưng anh vẫn chờ để sát tết bán cho được giá.
Nhờ chăm sóc tốt, chủ động cắt nguồn nước để gốc không bị ngập, rễ cám không bị thối nên những cây cam chanh giống V2 của anh Cần cho quả rất to, đều, ngọt, không bị xốp...
Còn những cây cam bù 5 năm tuổi đã cho quả trĩu cành, đang giai đoạn sắp chín rộ, sẽ cắt bán vào dịp tết, hứa hẹn sẽ rất được giá.
Đặc biệt, ở thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh đang có mô hình trồng cam sạch theo quy trình VIETGAP với diện tích 10ha, cho năng suất quả 20 tấn/ha, chất lượng quả tốt, đảm bảo sạch. Hiện nay, 10 hộ tham gia trồng theo mô hình này đang còn khoảng 50 tấn cam trên cây, chờ ít ngày nữa sẽ bán.
Trong số này có thể kể đến những khu vườn có sản lượng lớn, chất lượng tốt, địa thế đẹp như vườn hộ anh Nguyễn Công Thành, Nguyễn Tiến Hoàng...
Xã Sơn Thọ (Vũ Quang) cũng được mệnh danh là “thủ phủ của cam”, nhất là cam bù, với khoảng 200 ha, trong đó có khoảng 60% đã cho quả. Ước tính, vụ này người trồng cam ở Sơn Thọ sẽ thu về khoảng trên 50 tỷ đồng, trong đó có khoảng gần 1/3 sẽ được cắt bán trong dịp tết.
Để vừa bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, vừa có cam bù chín đẹp, thơm ngọt, ít rụng, anh Đinh Xuân Luận (thôn 7, xã Sơn Thọ) đã sử dụng vôi bột phun vào sáng sớm.
Còn vườn cam 2 tấn quả của chị Phan Thị Hương (thôn 1, xã Sơn Thọ) có cam chanh rất ngọt nên khách hàng đã tìm đến tận nhà đặt tiền cọc mua gần hết. Nhiệm vụ của chị Hương còn lại chỉ là thăm non, chăm sóc cẩn thận để khoảng 10 ngày nữa khách hàng vào hái theo giá thị trường tại thời điểm cắt.
Theo ước tính, sản lượng cam huyện Vũ Quang năm nay đạt khoảng 17.796 tấn, được bán với giá từ 30-35 nghìn đồng/kg, mang về nguồn thu gần 570 tỷ đồng, chiếm trên 20% tổng giá trị các ngành kinh tế.
Theo Tiến Phúc/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn