Từ bao đời nay, cứ sắp đến mỗi độ tết đến, xuân về, người dân làm nghề mật mía truyền thống ở xã Sơn Thọ (Vũ Quang) lại rộn ràng, tất bật để kết tinh vị ngọt dâng đời. Những nương mía gấp rút được đốn hạ, những chuyến xe bò kéo chất đầy nguyên liệu được chở về, tiếng kéo che kẽo kẹt vang lên, mùi hương dịu ngọt quyện trong làn khói lò sực nức, bếp lửa hồng xua tan cái rét cuối đông như báo hiệu mùa xuân sắp về...
Không chỉ nổi tiếng với sản phẩm cam bù, cam chanh và nghề nuôi ong lấy mật đem lại nguồn thu lớn cho người dân. Mà nhiều năm nay mọi người còn biết đến nghề làm mật mía ở xã Sơn Thọ, một sản phẩm không thể thiếu trong danh mục ẩm thực của người dân Việt Nam mỗi khi tết đến xuân về.
Ngay từ sáng sớm, không khí lao động sản xuất đã sôi động trên những cánh đồng mía của xã Sơn Thọ (Vũ Quang). Mặc cho cái rét cuối đông, những người nông dân yêu lao động vẫn ra đồng làm việc, người thoăn thoắt chặt cây, người thì gom ngọn, bó mía rồi chất lên xe kéo về nhà. Cũng như bao gia đình khác, hôm nay gia đình anh ...ở thôn 1 xã Sơn Thọ đã tập trung ra đồng thu hoạch nốt diện tích mía còn lại để kịp chế biến những mẻ mật cuối phục vụ nhu cầu của bà con, thương lái gần xa. Dường như sự vất vả, khó nhọc của nghề làm mía không làm cho anh ..cũng như người dân nơi đây cảm thấy bận lòng. Mà ngược lại, sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng, giá bán cao đã làm cho họ càng thêm gắn bó với nghề truyền thống này.
Bao năm qua, sản phẩm mật mía của Sơn Thọ đã chiếm lĩnh được thị hiếu của người tiêu dùng gần xa bởi những nét đặc trưng như màu sắc đẹp, vị ngọt đậm và hương thơm sâu. Trải qua thời gian, một số nghề thủ công ở nhiều vùng quê đang dần bị lãng quên. Thế nhưng nghề làm mật mía ở xã Sơn Thọ vẫn được duy trì và phát triển không ngừng, trở thành trở thành một nghề không thể thiếu đối với bà con mỗi dịp Tết đến xuân về. Nghề làm mật mía rất vất vả, khó nhọc, nhưng bù lại, đây là nghề thủ công, tranh thủ được mọi thời gian trong ngày lại không tốn công sức chăm sóc cây mía cũng như đầu tư mua sắm thiết bị máy móc để chế biến sản phẩm như những ngành nghề khác. Và dù thời tiết mưa hay nắng thì người ta vẫn sắp xếp để có thể chế biến sản phẩm. Điều quan trọng nhất đó là quá trình làm mật người thợ phải chịu khó bỏ công sức và thời gian để sản xuất ra những mẻ mật đạt vệ sinh, chất lượng, vì quy trình sản xuất ra mật mía cũng qua nhiều công đoạn. Từ ép mía, nấu mật, lắng cặn…phải mất 5-6 tiếng đồng hồ mới có thể cho ra một mẻ mật. Mặc dù vất vả, khó nhọc là vậy nhưng với lòng say mê, gắn bó với nghề nên từ xưa đến nay người dân nơi đây vẫn coi đây là một công việc quen thuộc, vừa phục vụ các món ăn trong ngày tết vừa đem lại cho gia đình một khoản thu nhập khá để trang trải và đón tết sung túc, đầy đủ hơn.
Các gia đình rộn ràng kéo che, nấu mật để kịp những mẻ mật phục vụ khách hàng.
Nhờ chất lượng thơm ngon đặc trưng nên mật mía Sơn Thọ thường có giá bán cao hơn so với mật mía ở các vùng miền khác nhưng vẫn được thương lái và người dân nơi khác tìm đến tận lò để mua. Với giá bán một cân mật mía hiện nay từ 30 đến 35 nghìn đồng. Có những gia đình trừ chi phí, có thể thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng cho mỗi vụ. Sản phẩm phụ từ cây mía như: lá, đọt và bã mía ép lại được tận dụng làm nguồn thức ăn quý giá cho trâu bò trong những ngày đông giá.
Những năm trước, diện tích trồng mía của xã Sơn Thọ tương đối nhiều. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây, do quy hoạch cụm công nghiệp, nên diện tích trồng mía của xã bị thu hẹp lại. Năm 2017, toàn xã Sơn Thọ có hơn 10 ha mía với trên 100hộ trồng, rải đều ở tất cả các thôn. Ước tính sản lượng mật mía đạt gần 80 tấn, đã đưa lại nguồn thu cho bà con nhân dân trên 2 tỷ đồng. Nhờ làm mật mía nên đời sống của nhiều gia đình nơi đây đã trở nên khấm khá và những cái tết cũng ấm no, đầy đủ hơn nhờ vào nghề này. Ông Nguyễn Khắc Hội – Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ - Vũ Quang cho biết năm 2018 xã Sơn Thọ sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và có các chính sách để khuyến khích bà con nhân dân mở rộng thêm diện tích mía lên 20ha, nhằm bảo tồn và phát huy nghề làm mật mía truyền thống của xã, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, xây dựng Nông thôn mới.
Với hiệu quả kinh tế rõ nét từ cây mía, cùng các chính sách khuyến khích phát triển diện tích trong thời gian tới, tin tưởng rằng sẽ là điều kiện để giữ gìn và phát huy ngành nghề truyền thống tốt đẹp này mỗi khi tết đến xuân về.
Bài, ảnh: Lê Thủy (Đài Vũ Quang)