HLV và Trang trại Yên Định: Sơ kết mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học và trồng thanh long ruột đỏ.
Thứ bảy - 15/06/2013 04:58
Vừa qua, Hội làm vườn và Trang trại huyện Yên Định phối hợp với Hội làm vườn và Trang trại Thanh Hóa tổ chức sơ kết xây dựng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học và trồng thanh long ruột đỏ H14. Hội nghị nhằm sơ kết lại những công việc đã làm được và mở rộng quy mô mô hình một cách hiệu quả, bền vững.
Mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học ở Thanh Hóa đầu năm 2013 mới được công nhận và cho thực hiện nhưng hội đã triển khai từ trước đó đến hết năm 2012, toàn huyện Yên Định có 870 trang trại gia trại trong đó có 82 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn ( chủ yếu là lợn nái) ; 11 trang trại gia trại nuôi gia cầm; 40 trang trại nuôi trồng thủy sản; 694 trang trại gia trại tổng hợp.
Doanh thu của các trang trại và gia trại trên địa bàn huyện hằng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại thu nhập hơn 120 triệu đồng/ năm. Chăn nuôi trên đệm lót sinh học cho thấy được khả năng ưu việt so với nuôi thông thường như không gây ô nhiễm môi trường, có thể nuôi ngay ở các khu dân cư, giảm được công lao động cho người chăn nuôi, lợn phát triển đồng đều và chống lại các bệnh hay gặp, thịt chắc ngon. Về trang trại nuôi lợn trên đệm lót sinh học của huyện là 82 chủ yếu là nuôi lợn ngoại hiện nay đang phát triển ổn định.
Các trang trại nuôi 50 con lợn nái ngoại và 350 lợn thịt trở lên thu nhập khoảng 200 – 300 triệu đồng/năm. Có trang trại nuôi 100 nái và tới 750 lợn thịt hoặc 1.500 lợn thịt cho thu nhập 500 – 600 triệu đồng/ năm. Chăn nuôi gia cầm trên đệm lót sinh học trên địa bàn huyện có 11 trang trại chăn nuôi gia cầm, các trang trại nuôi từ 5.000 đến 20.000 con gà thịt, 10.000 gà sinh sản cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Ông Lê Ngọc Kim (xã Qúy Lộc) cho biết: “ Gia đình đã đầu tư xây dựng 6 ô chuồng nuôi lợn thịt và lợn con sau cai sữa từ tháng 12/2012 với diện tích 200 m2 có hệ thống phun mù, tưới mát vào mùa hè. Đến nay gia đình đã nuôi được 3 lứa. Nhận thấy nuôi trên đệm lót có nhiều cái lợi so với nuôi thường, đặc biệt giảm chi phí trong chăn nuôi”
HLV cũng nhận thấy trồng thanh long ruột đỏ H14 cho lợi nhuận cao gấp 2 – 3 lần thanh long ruột trắng, khả năng chống chịu thời tiết tốt lại phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, nên Hội làm vườn và trang trại Thanh Hóa phối hợp với HLV Yên Định đã tổ chức trồng tại 1 số địa phương trong huyện. Đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 5 ha với gần 6.000 trụ khả năng cho thu hoạch bói vào cuối năm nay. Tập trung ở các xã trồng nhiều như: Định Hải, Yên Trường, Yên Lâm, Qúy Lộc, Yên Bái...Hiện nay vườn thanh long của cá hộ trên địa bàn huyện đều phát triển tốt, hứa hẹn sẽ thu nhiều kết quả trong vụ thu hoạch.
Ông Lê Đình Sơn – Giám đốc Sở KH-CN Thanh Hóa đánh giá cao về những đóng góp của Hội làm vườn và trang trại Thanh Hóa cũng như HLV huyện Yên Định. Ông khẳng định hội thực hiện nhiều chương trình dự án, có chương trình dự án được hỗ trợ, có dự án không hỗ trợ nhưng hội đã chỉ đạo làm dự án nào là thành công bởi hội đã có bề dày chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Mong muốn trong thời gian tới hội làm vườn tỉnh và huyện Yên Định cần phát huy hơn nữa để nhân rộng mô hình ra nhiều huyện, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo bền vững.