Sản phẩm sạch vẫn khó bán
Năm 2010, Hội ND Hà Tĩnh triển khai chương trình canh tác lúa theo phương pháp cải tiến (SRI) tại 3 huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Đây là phương pháp sản xuất lúa sạch theo phương pháp của ND Nhật Bản, chăm bón hài hoà giữa phân hữu cơ và vô cơ, không phun thuốc diệt cỏ... đem lại những ưu điểm rất quan trọng về môi trường, sức khoẻ cho nhà nông.
Cửa hàng nông sản sạch của Hội ND Hà Tĩnh. |
Xã Đức Lâm (huyện Đức Thọ) là một trong những địa phương đi đầu về áp dụng mô hình trồng lúa SRI. Nông dân Nguyễn Đình Trọng cho biết: Gia đình đã làm 2 sào lúa vụ mùa áp dụng phương pháp SRI, nhưng sản phẩm của chúng tôi làm ra vẫn chưa được thị trường đánh giá đúng với chất lượng của nó. ND phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nhưng hạt lúa sạch bán ra cũng như lúa thường nên chúng tôi thấy nản.
Không chỉ mặt hàng lúa sạch, thời gian qua tại xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà) hàng ngàn tấn rau, củ, quả sạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng ND phải bán tống bán tháo. Ông Nguyễn Văn Thìn- Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho biết, rau Tượng Sơn sản xuất rất sạch, mỗi ngày ở đây thu hoạch hàng tấn bí xanh, dưa chuột, mướp… bà con phải đem lên chợ TP.Hà Tĩnh từ 2- 3 giờ sáng bán cho tư thương với giá rẻ.
Nơi chỉ bán nông sản sạch
Cuối năm 2010, Trung tâm Dạy nghề, hỗ trợ ND đề xuất và được tỉnh cho phép mở của hàng nông sản sạch. Anh Phan Đình Cường - cán bộ Hội ND tỉnh, phụ trách cửa hàng cho biết: "Tôi cùng với các nhân viên cửa hàng đến các vùng sản xuất nông sản sạch trong tỉnh ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với ND. Những sản phẩm này đều được sản xuất ở những địa chỉ có uy tín, có chứng chỉ về an toàn thực phẩm, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như: Gạo sản xuất tại 3 huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh theo chương trình SRI mà Hội ND tỉnh đang triển khai; vùng rau, củ quả sạch được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP ở Tượng Sơn, Thạch Môn, Thạch Hạ… (huyện Thạch Hà) và cả những sản phẩm thương hiệu như bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn.
Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh
Để có sản phẩm đa dạng phục vụ người tiêu dùng, nhân viên cửa hàng đã về các huyện vùng sâu, vùng xa như Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ và Vũ Quang, Kỳ Anh thu mua các loại nông sản, thực phẩm đặc sản của ND bản địa như mật ong Sơn Thọ (Vũ Quang), nhút mít (Hương Khê), nước mắm, ruốc và hải sản khô tại Thạch Kim (Lộc Hà), Kỳ Ninh, Kỳ Xuân (Kỳ Anh), rượu (Can Lộc)… Tất cả những sản phẩm này đều có nguồn gốc rõ ràng.
Ra đời chưa đầy 2 năm nhưng doanh thu hàng tháng của cửa hàng hiện đã trên 100 triệu đồng. Anh Cường cho biết thêm, để mở rộng quy mô phát triển bền vững, cửa hàng cần một mặt bằng hoạt động thuận lợi, rộng rãi hơn và có các thiết bị chuyên dụng để trưng bày và bảo quản nông sản.
Từ thành công bước đầu của cửa hàng nông sản an toàn do Hội ND tỉnh triển khai cho thấy, đây không chỉ là cửa hàng nông sản sạch phục vụ người tiêu dùng mà còn là nơi đóng góp hiệu quả trong quảng bá và tiêu thụ nông sản sạch của ND.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn