Tiểu thủ công nghiệp làng nghề Thái Yên có bước tăng trưởng nhanh đã làm cho cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành CN-TTCN, thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Cụ thể, nếu giá trị thu nhập từ TTCN đầu nhiệm kỳ (năm 2010) là 45 tỷ đồng thì đến cuối năm 2015, con số này ước đạt trên 86 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với kế hoạch.
Giờ đây, làng mộc truyền thống Thái Yên không chỉ có nhiều thợ giỏi, tay nghề cao nức tiếng trong cả nước mà nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh còn mạnh dạn đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại; tăng cường quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Điều đáng mừng, những năm gần đây, tại địa phương đã từng bước hình thành các nhóm, tổ hợp tác sản xuất nhiều sản phẩm nội thất cao cấp với mẫu mã được cải tiến tinh vi, bền đẹp, sang trọng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Trên địa bàn hiện có 21 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nghề truyền thống, trong đó, 15 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Để có những chuyển biến tích cực đó không thể không kể đến sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư hạ tầng của Nhà nước. Hiện các tổ hợp tác làng nghề ở Thái Yên đang hoạt động trên diện tích 1,7 ha đã được quy hoạch (giai đoạn I). UBND tỉnh cũng đã phê duyệt cụm TTCN mở rộng với diện tích 15 ha. Có thể nói, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn vốn, quỹ đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước nên sản xuất TTCN và các ngành, nghề truyền thống tại địa phương thời gian qua có bước tăng trưởng nhanh, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn Thái Yên ngày càng khởi sắc…
Nhiều hô làm nghề mộc Thái Yên đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế |
Tuy nhiên, không khó để nhận ra TTCN - nghề mộc truyền thống Thái Yên còn có một số hạn chế. Đó là, một số doanh nghiệp, hộ cá thể chưa mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ mới, sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chậm đổi mới mẫu mã… Xác định rõ TTCN, thương mại - dịch vụ nói chung, làng nghề truyền thống nói riêng chiếm giá trị chủ đạo trong nền kinh tế của địa phương, nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo, Đảng bộ xã Thái Yên đặt ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế và tiếp tục phát triển bền vững.
Trước hết, trên cơ sở hiện có, xã tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thành lập thêm nhiều tổ hợp tác để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo nguyên liệu đầu vào. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo sản xuất xanh để bảo vệ môi trường, trong đó, chú trọng khâu phun sơn PU tập trung (hiện đã thành lập một số tổ hợp tác phun sơn tập trung). Điều quan trọng là tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng KHKT vào sản xuất; tổ chức nhiều cuộc tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu.
Trong nhiệm kỳ tới, quy mô cụm TTCN cũng sẽ được mở rộng thêm 25,3 ha, có quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết với hoạt động khép kín từ khâu chế biến, trưng bày sản phẩm, xử lý môi trường, phòng cháy, chữa cháy… Đảng bộ, chính quyền xã sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng Ban Quản lý và Điều hành giúp cụm hoạt động hiệu quả.
Phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ…, tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân Thái Yên sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2015-2020 để xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.
Phan Thanh Tuấn
Bí thư Đảng ủy xã Thái Yên
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn