Trù phú, văn minh

Một việc chưa có tiền lệ - mới đây tỉnh Hà Tĩnh dành trọn một ngày đưa 350 cán bộ các huyện, xã và người dân đi tham quan những khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Đi để tận mắt thấy, tai nghe “người dân và cán bộ địa phương bạn” đã làm gì để biến những vùng đất nghèo xác nhiều năm trước trở thành những làng quê trù phú, văn minh. Hôm ấy, những cán bộ trong đoàn tham quan đã bất ngờ và không tiếc lời ngợi khen khi dừng chân ở khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ở thôn Tân An, xã Cẩm Bình. “Đẹp quá! Thế này mới là kiểu mẫu chứ”, một cán bộ trong đoàn thốt lên. “Khu vườn ni e mỗi năm kiếm bạc trăm (triệu) chứ không phải chơi bác hè?” - một vị cán bộ khác hỏi người ngồi cạnh.

Bà Nguyễn Thị Đạt - Bí thư chi bộ thôn Tân An, dẫn chúng tôi đi trên con đường bêtông thẳng tắp, hai bên, cây tạo cảnh quan đang độ lớn. Mươi năm nữa, Tân An sẽ có những con đường rợp bóng cây xanh. Bà Đạt tự hào: “Bắt đầu từ hỗ trợ của Nhà nước, sự đồng thuận, tự giác của 198 hộ dân trong thôn. 5 năm qua, người dân thôn hiến trên 3.000m2 đất, đóng góp chục nghìn ngày công lao động để tạo nên một Tân An như ngày hôm nay”. Nhà cửa của người dân giờ được xây cất khang trang, tường rào cây leo xanh mướt, cắt tỉa gọn gẽ. “Mười năm trước, người dân trong thôn chủ yếu làm ruộng, vườn tược bị bỏ hoang, cây dại um tùm. Nghèo và luộm thuộm lắm”, bà Đạt nhớ lại.

Ở tuổi 77, ông Nguyễn Văn Trung ngày ngày vẫn cuốc xới, trồng trỉa trên khu vườn hơn 5.000m2. Ông là người đầu tiên ở Tân An tiên phong xóa sổ vườn tạp, đăng ký xây dựng vườn mẫu. Các loại cây rau, củ, quả trồng theo lối tự cung tự cấp thì nay được “quy hoạch” bằng giàn mướp đắng, bí xanh sai quả, nghìn gà, vịt, lợn trong chuồng. Ông Trung khoe: “Tính sơ sơ, khu vườn nhà tui mỗi năm bình quân cho thu nhập từ 250 -300 triệu đồng, tăng gấp đôi, gấp ba so với trước. Vừa rồi, tỉnh hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tạo mưa, vừa tiết kiệm được công, vừa tiết kiệm tiền. Làm vườn như ri thì sướng vô cùng”. Kể từ khi dân trong thôn thi nhau xây dựng vườn mẫu, trồng nhiều giống cây, con chọn lọc cho thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cuộc sống của họ no đủ, khá lên từng ngày.

Hai năm trước, xã Cẩm Bình được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trước hai năm và được tỉnh “thưởng” 2 tỉ đồng. Nhắc đến khoản tiền này, gương mặt Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình - ông Đặng Quốc Hải - vẫn còn nguyên cảm giác sung sướng: “Chưa bao giờ xã tôi nhận được khoản tiền thưởng nào to đến thế. Vinh dự lắm! Nhận tiền về, xã lập dự án xây trường mầm non cho con em có chỗ học tập đàng hoàng hơn”. Theo số liệu năm 2014, thu nhập bình quân của người dân Cẩm Bình từ 11 triệu đồng khi bắt tay xây dựng NTM nay đã tăng lên 34 triệu đồng/người/năm. “Năm nay, phấn đấu nâng thu nhập của người dân lên 38 triệu đồng/người/năm” - ông Hải cho biết. Trong suy nghĩ của ông, tất cả chỉ mới là thành quả bước đầu và còn phải tiếp tục phấn đấu quyết liệt, căng thẳng hơn nữa, mục tiêu cụ thể là đưa Cẩm Bình trở thành “xã NTM kiểu mẫu”, “xã anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Không chỉ có một cái tên Tân An, mà giờ đây những vùng quê như: Châu Trinh, Gia Phú, Hương Mỹ, Đồng Bàu, Yên Thịnh… thật sự trở thành những nơi đáng sống từ khi họ bắt tay vào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.

 

 

 

Ông Nguyễn Văn Trung làm vườn mẫu mỗi năm thu nhập từ 250 -300 triệu đồng (ảnh phải). Ảnh: Đ.K 

Thay đổi nhận thức, tư duy

Ông Trần Huy Oánh - Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh, nói rằng từ khi Trung ương chưa phát động phong trào, ở Hà Tĩnh đã chủ động bắt tay vào làm và cách làm cũng khác. “Chúng tôi làm được là do ngay từ đầu xác định NTM là chương trình lớn, không chỉ phát triển nông nghiệp, giáo dục, y tế hay môi trường mà tổng hợp của rất nhiều yếu tố. NTM không chỉ làm đường, xây nhà văn hóa… mà cốt lõi là thay đổi bộ mặt của nông thôn, thay đổi cả cuộc sống người dân theo hướng ngày một tốt hơn, giàu có hơn. Muốn vậy không có cách nào khác ngoài việc phải xác định hàng hóa chủ lực, xây dựng chuỗi giá trị và đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp”. Những mô hình sản xuất hàng hóa lớn, vừa, nhỏ lần lượt ra đời có liên kết với các doanh nghiệp trong khâu cung ứng giống, vật tư và tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những vùng đất cằn cỗi, hoang hóa, chưa nắng đã cháy khô, chưa mưa đã úng từ miệt biển đến miền núi cao, ven những trà sơn được phủ một màu xanh của những cánh đồng mẫu lớn, vườn rau, củ, quả, cây ăn quả mang “thương hiệu NTM Hà Tĩnh”.

Hà Tĩnh có được bộ mặt nông thôn mới như hôm nay không thể không kể đến những “chủ thể” trực tiếp làm và hưởng thụ thành quả từ NTM. Từ khi phát động phong trào, Hà Tĩnh đặt nhiệm vụ thay đổi tư duy cán bộ, nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới lên hàng đầu. “Làm NTM là làm cho anh giàu lên. Cho nên phải dẹp bỏ ngay tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước từ cán bộ cho đến người dân” - ông Oánh nói. Vậy nên, khi nhận thức đã thay đổi, người dân Hà Tĩnh hăng hái tham đóng góp hàng triệu ngày công lao động, hàng triệu mét vuông đất để xây dựng cuộc sống cho chính họ. Chỉ trong hai năm đầu, người dân đã hiến 3,6 triệu mét vuông đất. Đó cũng là lần duy nhất tỉnh tổ chức thống kê và biểu dương. Những năm sau này, việc người dân hiến đất xây dựng NTM là việc đương nhiên nên dự tính chuyển sang tổ chức… “bêu” tên những người ích kỷ, không vì việc chung.

Mới đây, Hà Tĩnh gây sốc khi điều chỉnh nâng tiêu chí thu nhập của người dân ở các xã đạt chuẩn NTM từ 22 triệu đồng/người/năm theo bộ tiêu chí quốc gia lên 35 triệu đồng/ người/năm. Nhiều người bảo rằng tỉnh “liều mạng”, là gây khó dễ cho các địa phương. Nhưng cứ nhìn vào kết quả sau 5 năm xây dựng NTM, kết quả đã chứng minh rằng sự “liều mạng” của lãnh đạo tỉnh này là có cơ sở khi hiện nay thu nhập của người dân ở nhiều xã nông thôn mới đã đạt, vượt con số tỉnh đề ra. “Dù là tỉnh nghèo, Hà Tĩnh xác định xây dựng NTM một cách thực chất, bền vững nên chúng tôi có cơ sở khi nâng cao các tiêu chí so với bộ tiêu chí quốc gia. 5 năm qua, Hà Tĩnh đã biến những điều không thể thành có thể, bất lợi thành có lợi. Và vẫn sẽ tiếp tục thực hiện NTM với phương châm đó” - ông Oánh nói.

 

“Đạt chuẩn rồi không có nghĩa là hoàn thành nhiệm vụ”

Đến nay, Hà Tĩnh đã nhựa hóa, bêtông hóa hơn 3.000km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 719km kênh mương thủy lợi nội đồng; xây dựng 610km đường điện; xây dựng 101 nhà văn hóa xã, 72 khu thể thao xã, 968 nhà văn hóa thôn, 880 khu thể thao thôn; xoá bỏ hơn 13.000 ngôi nhà tạm... Và chỉ sau 2 năm triển khai NTM, đã có 412 khu dân cư kiểu mẫu, 800 vườn mẫu được xây dựng. Năm 2014, Hà Tĩnh có 26 xã đạt chuẩn, dự tính trong năm nay sẽ có thêm 23 xã nữa đạt chuẩn NTM. “Trong suy nghĩ của lãnh đạo Hà Tĩnh, không có khái niệm xã về đích nông thôn mới. Đạt chuẩn rồi thì không có nghĩa là đã hoàn thành nhiệm vụ, vẫn phải tiếp tục xây dựng địa phương lên mức cao hơn”, ông Trần Huy Oánh cho biết. Hiện 5 xã điển hình gồm: Tùng Ảnh, Cẩm Bình, Thạch Long, Hương Trà, Xuân Mỹ được giao tiếp nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu với những tiêu chí khắt khe gấp bội. “Anh nào làm kém sẽ lôi ra ngoài. Tỉnh không chạy theo thành tích để tạo ra những mô hình không đạt kiểu mẫu một cách thực chất”, ông Oánh cảnh báo.