Trong một cuộc triển lãm trưng bày các loại cây thế, cây cảnh tại Hà Nội mới đây, có một cây tùng có giá tới 3 tỷ đồng! Tôi hết sức ngạc nhiên và dành nhiều thời gian để ngắm nghía nó. Tại sao giá của nó lại đắt đến thế?
Cây tùng chỉ vươn cao độ 1m. Tán của nó để nghiêng về một phía rồi lại ngoặt ngược trở lại. Gốc cây sù sì. Trông nó như một cây cổ thụ giữa phong ba bão táp… Thế mới hay, nhiều người trong bà con ta lại quên đi một việc làm có thể thu được rất nhiều tiền mà công sá có lẽ chỉ bằng chăm một ruộng khoai(?). Nhưng chắc rằng, công ở đây không đáng mấy mà kỹ thuật mới là quyết định.
Một cây sanh trị giá tiền tỷ đang được chăm chút |
Bà con ta cần hiểu, không phải cây nào cũng làm được thành cây thế, cây cảnh. Ta phải chọn, phải tìm, phải tỉa, cắt, uốn, nắn, phải đục đẽo, bóc vỏ, phải tạo rễ, nâng rễ, gây sẹo trên cây, áp đá dưới rễ, thay cành làm ngọn, ép cây ra hoa, ra nhánh, bắt nó già đi gấp hàng chục lần... khiến cái cây của ta trông như một cây cổ thụ lụ khụ nhưng ngạo nghễ và dẻo dai.
Một số cây hay được dùng để tạo ra cây thế, cây cảnh gồm: Si, sanh, đa, sung, khế, lộc vừng, thông, tùng, la hán, cần thăng, sứ… Mỗi vùng lại có những loại cây riêng. Nếu ta lấy cây trong tự nhiên về để làm cây thế, cây cảnh thì phải chọn thời gian thích hợp để bứng cây, tốt nhất là vào mùa xuân, mùa có mưa. Cũng có thể bứng nó vào cuối mùa đông khi cây đang trong giai đoạn ngủ nghỉ mà trong cây vẫn nhiều chất dinh dưỡng.
Trước khi trồng phải cắt bớt lá, bớt cành và xén bớt rễ. Ta phải chuẩn bị từ trước đất trồng cây, tốt nhất là đất phải tơi xốp, thoát nước và có sẵn chất dinh dưỡng. Sau khi trồng phải che chắn và giữ ẩm tốt cho cây để nó kịp hồi phục. Ta nên có sẵn phân hoai mục hoặc phân vi sinh hữu cơ để bón cho cây. Không nên dùng phân N, P, K riêng lẻ hoặc các loại phân hóa học khác. Khi cây đã ổn định, ta có thể dùng thêm các loại phân bón qua lá.
Làm cây thế, cây cảnh là công việc lâu dài, không thể ngày một, ngày hai được. Trong quá trình ổn định cây trong chậu (cũng có khi mất 3-4 năm), ta kết hợp tạo thế cho cây dần dần. Mỗi cây phải có được những nét đặc sắc riêng và như có hồn trong vóc dáng. Đấy là việc khó nhất mà bà con mình cần phải học hỏi nhiều ở những nghệ nhân trong vùng hoặc các tỉnh bạn.
Ta cũng có thể tạo cây thế, cây cảnh ngay từ những cây gieo từ hạt, những cây nhân bằng giâm, chiết cành hoặc ghép cành. Mọi nội dung này đã được viết trong cuốn “Nghề nhân giống, uốn tỉa, lão hóa và chăm sóc cây thế, cây cảnh” thuộc bộ sách “100 nghề cho nhà nông” mà NXB Nông nghiệp đã phát hành. Xin liên hệ qua điện thoại phòng phát hành của Nhà xuất bản: 04.38527008. Sách chỉ có 50 trang nhưng đủ hết những điều mà bà con cần biết.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng
danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn