|
Không có máy tính, không có mạng Internet cán bộ xã Cẩm Minh chỉ biết đến các văn bản bằng giấy.JPG |
Khi thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới, vấn đề được xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên quan tâm là tập trung đầu tư mua sắm máy tính, nối mạng Internet cho tất cả các ban, phòng làm việc của cán bộ công chức. Trước đó, đội ngũ cán bộ đã được tập huấn nên nhanh chóng tiếp cận được với công nghệ thông tin, biết cách thu thập, tìm hiểu những kiến thức bổ sung cho việc chuyên môn. Vì vậy, việc xử lý các thông tin có hiệu quả và mang tính toàn diện hơn. Hiện nay, Cẩm Bình cũng đã xây dựng được thư viện với hệ thống máy tính hiện đại và nhiều đầu sách bổ ích. Cán bộ công chức không ngừng học hỏi, tận tâm với công việc và do đó đến thời điểm này, Cẩm Bình đã đạt được 15/19 tiêu chí về nông thôn mới.
|
CNTT đã được áp dụng rộng rãi nhưng cán bộ phụ nữ xã Cẩm Lộc chưa từng biết đến máy tính và mạng Internet. |
Trái ngược với xã Cẩm Bình, tại xã Cẩm Minh, phòng làm việc của mặt trận tổ quốc, cựu chiến binh, HĐND và kể cả nơi làm việc của chủ tịch UBND xã hoàn toàn vắng bóng của máy vi tính. Bộ máy của xã có 37 cán bộ công chức, kể cả hợp đồng nhưng chỉ có 5 máy vi tính. Thiếu phương tiện làm việc, cán bộ công chức của xã Cẩm Minh vẫn hàng ngày lầm lũi, lách cách bên từng chồng văn bản, giấy tờ. Không tiếp cận được với công nghệ thông tin nên đội ngũ cán bộ ở xã Cẩm Minh chỉ biết đến hoạt động của đơn vị mình, không biết đến những cách làm hay, những bước đột phá của đơn vị bạn để có hình thức áp dụng phù hợp với thực tiễn địa phương. Và vì vậy, công việc hàng ngày cũng trở nên thiếu tính hệ thống, thiếu lôgíc và cũng do chậm tiếp cận với công nghệ thông tin nên tư duy cũng như cách nghĩ, cách làm của một bộ phận cán bộ công chức còn rất lạc hậu. Đầu năm 2012 khi UBND huyện Cẩm Xuyên đưa vào áp dụng văn phòng điện tử M.Office thì cán bộ công chức ở đây gặp rất nhiều trở ngại. Giấy tờ, công văn khẩn được UBND huyện chuyển qua đường truyền nhưng xã Cẩm Minh chưa lắp được Internet. Nhận thấy tính cấp thiết của công việc nên cán bộ văn phòng đã tự bỏ tiền túi để mua USB và sử dụng mạng 3G. Tuy nhiên, do việc chi trả cước phí hàng tháng là tiền của cá nhân nên việc truy cập rất dè chừng. Anh Nguyễn Đình Thi – Văn phòng UBND xã Cẩm Minh nói: “Tiền cước hàng tháng cũng do cá nhân bỏ ra để phục vụ cho công việc tập thể, trong khi đó đồng lương hạn hẹp. Vì vậy, chúng tôi cũng không dám truy cập nhiều, thỉnh thoảng mới dám dùng đến. Khi dùng cũng chủ yếu là lấy văn bản về, không dám truy cập nhiều loại văn bản hay xem các thông tin báo chí khác”
Tiến bộ hơn so với xã Cẩm Minh, xã Cẩm Lộc có 9 máy vi tính nhưng chỉ có 3 máy mới bị trang bị, số còn lại là những máy đã quá cũ, hay hư hỏng. Việc nối mạng đã tiến hành gần một năm nay nhưng đường dây Internet đi chung với điện thoại. Khi sử dụng điện thoại thì phải ngừng việc truy cập mạng. Việc dùng điện thoại là bất chợt theo tính chất của công việc và không có sự báo trước. Điều đó gây gián đoạn và ảnh hưởng lớn đến việc khai thác thông tin trên mạng. Tính cả hợp đồng, Cẩm Lộc có 34 cán bộ công chức với 11 phòng làm việc nhưng việc kết nối Internet chỉ được bố trí cho văn phòng Đảng ủy, văn phòng ủy ban và địa chính. Các bộ phận còn lại không biết đến sự hiện hữu của mạng. Với những phòng được ưu tiên lắp đặt Internet những tưởng công việc sẽ thuận lợi hơn nhưng bộ phận này không chỉ phải đối mặt với sự bất tiện, gián đoạn do dùng chung với đường dây điện thoại mà do nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao nên xảy ra tình trạng ăn cắp dây cáp làm mạng thường xuyên bị rớt, gọi thợ sửa nhiều lần cũng bất tiện nên lãnh đạo ủy ban cũng đành phó mặc cho bộ phận dùng mạng. Anh Trương Văn Phú – Văn phòng UBND xã Cẩm Lộc nói: “ Việc dùng mạng không phát huy được hiệu quả cho nên việc gửi và nhận công văn giấy tờ vẫn chủ yếu đi theo hai con đường là gửi qua bưu điện và cán bộ mang gửi trực tiếp”
Từ năm 2000 Bộ Chính trị đã có chỉ thị số 58/CT-TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”; và Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu cần triển khai ứng dụng CNTT, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ quản lý hành chính Nhà nước. Qua thực tế công việc cho thấy, công nghệ thông tin là một trong các giải pháp nhằm đạt mục tiêu của cải cách hành chính và làm cho nền hành chính có khả năng kiểm soát lãng phí, thất thoát và tham nhũng. Chỉ có áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin thì mới có thể giảm thiểu được các loại văn bản, giấy tờ, giảm thiểu tình trạng phô tô, in ấn. Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu đó ngoài yếu tố về con người phải có trang thiết bị và các phần mềm thông tin. Ông Phạm Hoàng Anh – Chánh văn phòng UBND huyện Cẩm Xuyên khẳng định: “Thực tế công tác điều hành, lãnh đạo ở huyện Cẩm Xuyên cho thấy những địa phương trang bị tốt phương tiện làm việc, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo và khuyến khích cán bộ công chức học hỏi tin học như Cẩm Bình, Cẩm Vịnh, thị trấn Cẩm Xuyên thì công việc sẽ tốt hơn, phát huy tối đa hiệu quả và có chiều sâu hơn. Trái lại đối với những đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin như Cẩm Minh, Cẩm Lộc, Cẩm Trung, Cẩm Dương thì công việc luôn bộc lộ sự hạn chế và biểu hiện rõ sự trì trệ, thiếu khoa học”
Với sự chung sức đồng lòng của những con người trên quê hương Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, huyện Cẩm Xuyên đang có những bước tiến nhanh, thể hiện sự hội nhập và phát triển. Tiến trình đó đang đặt ra yêu cầu cao đối với công tác cải cách hành chính của địa phương. Tuy nhiên, phương tiện làm việc và áp dụng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập. Nếu không có sự quan tâm điều hành của cấp trên nhiều đơn vị ở huyện Cẩm Xuyên sẽ ngày càng tụt hậu hơn và mục đích cải cách hành chính sẽ không thực hiện được. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện nhà.
Bài, ảnh: Nguyễn Tâm (Đài PTTH Hà Tĩnh)