Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết: Định hướng về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) nhằm phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020 tập trung vào công tác chọn tạo, nhân giống, công nghệ nuôi thâm canh, sinh học trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Kiểm tra các mẫu mô mới được nuôi cấy tại Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). |
Theo đó, các giống cây trồng chủ lực cần nghiên cứu phát triển tại vùng gồm: lúa, ngô, đậu đỗ, cây rau, hoa quả, cây ăn quả và nấm. Các giống được nghiên cứu chọn tạo phải đáp ứng yêu cầu về năng suất, chất lượng và chống chịu tốt đối với một số sâu bệnh hại chính và điều kiện thời tiết không thuận lợi (mặn, hạn, úng, rét…).
Trên cơ sở nghiên cứu thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tập trung chủ yếu vào cây ăn quả, rau để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đối với chăn nuôi, các tỉnh chọn lọc, lai tạo các giống vật nuôi chủ lực (trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt, ngan) có hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với điều kiện chăn nuôi hàng hóa, tập trung và ứng dụng công nghệ cao ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Các tỉnh chú trọng việc tạo nguồn thức ăn tại chỗ, các giải pháp KHCN nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi, nhất là thức ăn thô cho gia súc.
Với thủy sản, nghiên cứu áp dụng công nghệ nuôi thâm canh, hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là đối với các loài nuôi như: cá rô phi đơn tính, tôm sú, tôm thẻ chân trắng…
Theo báo cáo tính đến thời điểm hiện nay, đã có nhiều giống lúa thuần được chọn tạo và công nhận chính thức thích hợp cho vùng đồng bằng sông Hồng như: BM9820, SL12, DT37, DT22, CL9… Năng suất các giống lúa thuần bình quân đạt 65 - 70 tạ/ha, một số giống năng suất cao hơn hẳn như: Q5, BM9855 đạt 80 - 90 tạ/ha…
Đối với thủy sản, đã hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số đối tượng nuôi chủ lực cho vùng như: cá rô phi, hàu, tôm sú; làm chủ được công nghệ sản xuất giống và công nghệ nuôi cá mè, cá chép, cá trắm… Bước đầu, tại một số địa phương đã đưa ra được công nghệ sản xuất giống mới, có giá trị kinh tế cao, tạo ra vùng nuôi ngao tập trung ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình…
Trên cơ sở nghiên cứu đối với các tổ chức KHCN và các doanh nghiệp đăng ký triển khai thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến khích các tổ chức KHCN chuyển giao bản quyền về giống mới cho các doanh nghiệp hoặc tăng cường liên kết giữa các tổ chức KHCN và doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh giống.
Từng bước cùng nông dân ứng dụng KHCN
Ông Nguyễn Tấn Hinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Để việc ứng dụng công nghệ cao cho sản phẩm chủ lực đồng bằng sông Hồng đạt hiệu quả cần xây dựng cho nông dân kiến thức về KHCN, những giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ thủy canh, công nghệ nhà có mái che, công nghệ sau thu hoạch, cơ khí hóa dụng cụ nông nghiệp, ứng dụng quy trình nông nghiệp VietGAP… để sản xuất nông sản có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thành thấp…
Những công nghệ này phải được nghiên cứu và cần sự hỗ trợ để trình diễn ở mỗi địa phương, tạo điều kiện để nông dân học tập và từng bước cập nhật kiến thức. Đồng thời, lấy đó là nơi phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ mang tính đột phá giải quyết những thách thức của vùng và địa phương mình.
Kiến thức cao về khoa học công nghệ sẽ giúp nông dân biết ứng dụng các phương pháp sản xuất hữu cơ, IPM, GAP để bảo vệ môi trường, các phương pháp xử lý làm sạch nước, nâng cao chất lượng nước dùng trong nông nghiệp. KHCN làm tiền đề cho nông sản được tăng thêm giá trị sau thu hoạch, qua chế biến, thì nông sản sẽ có giá trị cao hơn, thu nhập trên một hécta sẽ không thua các mặt hàng công nghiệp.
Đồng thời, qua thực tế cùng với định hướng của ngành nông nghiệp người nông dân sẽ lựa chọn phát triển mặt hàng nông nghiệp kinh tế nhất để cạnh tranh với nông sản ở thị trường trong nước, đồng thời làm tiền đề phát triển thị trường xuất khẩu, đưa nông nghiệp Việt Nam tiến vào biển lớn, hội nhập WTO.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, nguyên nhân chậm triển khai đưa các ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp do lực lượng nghiên cứu còn mỏng, kinh phí đầu tư quá thấp...
Trong khi đó, một số nội dung nghiên cứu thì rộng, bao gồm tất cả các lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp đó là chưa kể đến các nghiên cứu có sự trùng lắp về nội dung với chương trình KHCN cấp nhà nước về KHCN do Bộ Khoa học & Công nghệ quản lý.
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực vùng đồng bằng sông Hồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư xây dựng một số tổ chức KHCN công lập trọng điểm thuộc Bộ, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; tăng kinh phí cho việc hoàn thiện công nghệ, chế tạo thử nghiệm trước khi chuyển giao vào sản xuất.
Bộ cũng mong muốn được giao trực tiếp cho các tổ chức KHCN, các doanh nghiệp có đủ năng lực xây dựng và thực hiện một số đề án KHCN đồng bộ từ khâu nghiên cứu, thử nghiệm đến sản xuất, tiêu thụ với một số sản phẩm như: lúa chất lượng cao, rau quả an toàn, nấm, lợn siêu nạc…
Hoàng Linh - Hoàng Tùng
Nguồn;baotintuc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn