Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng vụ đông năm 2016 các tỉnh, thành phố phía Bắc đạt 400.000 ha; tổng sản lượng đạt 4,5 triệu tấn, tăng khoảng 500 tấn so với vụ đông 2015; tổng giá trị đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, giá trị vụ đông tăng dần qua các năm. Một số tỉnh với cơ cấu lúa mùa sớm đã trồng được 2 vụ màu trong mùa đông hoặc tăng thêm 1 vụ rau hoặc khoai tây xuân để chuyển đổi lúa xuân thành vụ màu cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương. Vụ đông năm 2016, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới tiếp tục được các địa phương áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí đầu vào và giảm áp lực về thời vụ gieo trồng như: Kỹ thuật trồng khoai tây, đậu tương, ngô bằng phương pháp làm đất tối thiểu; Kỹ thuật rẽ lúa đặt bầu trồng bí, dưa giúp thời vụ sớm hơn 10 ngày; Kỹ thuật che phủ nilon trong trồng bí, dưa, lạc đông giúp giữ ẩm cho đất, cây mọc đều, hạn chế cỏ dại; Biện pháp tưới nước tiết kiệm sử dụng khum che nilon được áp dụng trên hầu hết diện tích sản xuất cây giống, rau các loại ....
TS. Trần Văn Khởi cho rằng vụ đông ở vùng đồng bằng sông Hồng là một vụ sản xuất đặc thù với 3 đến 4 tháng mùa đông lạnh, khô, có sự chuyển tiếp nền nhiệt đầu vụ và cuối vụ tạo nên sự phong phú đa dạng về chủng loại đối với cây trồng vụ đông, nhất là nhóm cây rau, màu. Đây là vụ sản xuất chính mang lại thu nhập cao cho nông dân. Vì vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất một số cây trồng vụ đông là cần thiết nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, thu hút lao động nông thôn, xây dựng được thương hiệu sản phẩm, vùng nguyên liệu lâu dài cho chế biến, xuất khẩu…
Tại Diễn đàn, Cục Trồng trọt đã cung cấp nhiều thông tin về thực trạng, chính sách, quy hoạch phát triển các loại cây trồng vụ đông. Các Viện Nghiên cứu Rau Quả, Viện Nghiên cứu Ngô, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã giới thiệu nhiều giống cây trồng vụ đông với những đặc tính ưu việt như giống cà chua CVR9, GL1-16, GL1-17, VT10, giống ớt GL1-10, giống dưa chuột lai GL1-8, PC4, giống đậu cô ve leo VC5, đậu đũa VC2, bí xanh Thiên Thanh 5, cải làn GL1-11, xà lách GL1-19, cải củ Hàn Quốc, bí ngồi Azura… và một số giống hoa lan, hoa đào, hoa lay ơn, hoa cúc. Ngoài ra, ban cố vấn cũng tư vấn thêm cho bà con thời vụ gieo trồng, kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng như kỹ thuật canh tác trồng khoai tây năng suất cao, kỹ thuật ngắt ngọn để dưa lê đạt hiệu quả, kỹ thuật trồng cây trong nhà lưới... Nội dung được nhiều bà con quan tâm nhất là sâu bệnh hại cây trồng, ban cố vấn đã chia sẻ để bà con nhận biết và biết cách phòng trị các bệnh trên cây rau, hoa trong vụ đông như bệnh héo xanh, bệnh sương mai, bệnh nhện đỏ trên cây khoai tây, bí xanh, cà chua, bệnh phấn trắng trên cây dưa lê, bệnh thán thư trên cây quất... hoặc vấn đề liên kết sản xuất, liên kết doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng rõ và gay gắt với nhiều hiện tượng cực đoan của thời tiết (lạnh và mưa trái vụ), sâu bệnh hại gia tăng gây khó khăn cho sản xuất; những năm gần đây, diện tích cây trồng vụ đông phía Bắc nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng có xu hướng giảm mạnh; Chi phí đầu vào cao, đầu ra không ổn định, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, để đạt được kế hoạch sản xuất vụ đông 2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra với diện tích 410 nghìn ha, đạt giá trị 26-28 nghìn tỷ đồng, Diễn đàn đã thống nhất đề xuất một số giải pháp cần thực hiện như sau:
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chính sách của Nhà nước và địa phương, các tiến bộ kỹ thuật, dự báo tình hình thời tiết, sâu bệnh hại cây trồng, thị trường nông sản... đến người sản xuất sớm và kịp thời.
- Chỉ đạo sản xuất cơ cấu cây trồng, giữ hợp lý diện tích cây ưa ấm (ngô đơn tính, khoai lang); tăng cây ưa lạnh (khoai tây), sản xuất rải vụ nhằm đa dạng hóa sản phẩm.
- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra để đảm bảo chất lượng giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật cung cấp cho sản xuất.
- Tăng cường tập huấn kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất cây vụ đông cho nông dân, đặc biệt là sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, liên kết sản xuất để tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Cán bộ kỹ thuật cần bám sát địa bàn để chỉ đạo sản xuất và tư vấn kịp thời cho bà con nông dân.
- Ban hành và thực thi các chính sách hỗ trợ sản xuất như dồn điền đổi thửa, thu hút doanh nghiệp nông nghiệp, xây dựng mô hình cây trồng mới, kỹ thuật mới, mô hình liên kết sản xuất, cơ giới hóa, xây dựng thương hiệu nông sản...
Từ kế hoạch sản xuất vụ đông 2017 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề ra và điều kiện thực tiễn, các địa phương xây dựng, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây vụ đông, đồng thời có chiến lược thị trường ổn định cho nông dân thì ắt sẽ hứa hẹn một vụ đông thắng lợi và bội thu.
Theo Nguyệt Thư/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn