Mức thải trung bình trong một ngày của mỗi con trâu là 15 kg, bò là 10 kg, lợn là 2 kg và gia cầm là 0,2 kg phân, thì năm 2013 với tổng đàn vật nuôi trong cả nước có lượng phân thải ra khoảng 76 triệu tấn. Đặc biệt, ở nước ta, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 65% tổng đàn vật nuôi (theo FAO), đồng thời các chuồng nuôi gia súc, gia cầm vẫn gần khu dân cư hoặc trong khu dân cư, rất gây ô nhiễm môi trường.
Để xử lý các chất thải này, ngành chăn nuôi hiện đang áp dụng nhiều công nghệ như ủ phân compost, khí sinh học và vi sinh vật chọn lọc để tăng cường quá trình phân giải chất thải. Trong đó, việc áp dụng đệm lót có nguồn gốc xenlulo làm giá thể cho hệ vi sinh vật lên men phân hủy chất thải trong chăn nuôi đang được quan tâm. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết kinh nghiệm và kết quả sau 3 năm áp dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi (2011 – 2013) ngày 22 tháng 5 năm 2014, cả nước có 691 trang trại và 57.755 hộ có sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà với tổng số khoảng 5.400.000 m2 nền đệm lót; 28 trang trại và 3.658 hộ có sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn với tổng số khoảng 70.000 m2 nền đệm lót.
Đối với chăn nuôi gà: Qua thực tế triển khai ở nhiều địa phương như Hà Nam, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Cà Mau..., hầu hết các mô hình ứng dụng đệm lót sinh học đều thành công, phù hợp với chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
Gà có tập tính bới nền chuồng nên phân gà được tiêu hủy nên đã tạo môi trường sạch, có lợi cho sức khỏe của gà cũng như người chăn nuôi. Do không phải thay độn lót trong suốt quá trình nuôi nên giảm tối đa nhân công dọn chuồng, tăng sức đề kháng của gà, giảm tỷ lệ chết và loại thải ở gà, tăng khả năng sinh trưởng, giảm tiêu tốn thức ăn, giảm công và chi phí trong việc chữa trị bệnh và định kỳ phun thuốc sát trùng. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị viêm bàn chân, lông mượt và sạch. Do đó lợi nhuận cao hơn so với phương pháp chăn nuôi truyền thống.
Tuy nhiên, đệm lót sinh học luôn sinh nhiệt do quá trình lên men của vi sinh vật trong đệm lót nên chuồng nuôi nóng, phù hợp với điều kiện thời tiết mùa đông, nhưng trong mùa hè, phải nuôi gà mật độ thấp và có phương pháp chống nóng cho gà, đặc biệt gà nuôi thịt giai đoạn vỗ béo và gà sinh sản giai đoạn đầu.
Đối với chăn nuôi lợn: Nuôi trên nền đệm lót sinh học đã tiết kiệm được điện, nước rửa chuồng, giảm ô nhiễm môi trường.
Theo kết quả triển khai, việc ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn còn rất khiêm tốn, đối với lợn nái, lợn con và lợn có khối lượng dưới 60 kg là phù hợp nhất. Nhiều mô hình đã không thành công do lợn có thói quen thải phân và nước tiểu một chỗ nên tại đó, đệm lót hay bị hỏng (khi không đảo hoặc hót phân lợn đi); lợn vận động làm đệm lót bị nén chặt, hạn chế vi sinh vật trong đệm phát huy tác dụng phân hủy chất thải, ngoài ra, một số mô hình còn xuất hiện ngoại ký sinh trùng như mạt, rệp, ve, ghẻ… Mạch nước ngầm cao gây ảnh hưởng đến nền đệm lót. Mùa hè nóng, lợn không nằm trên đệm lót nên vẫn phải thiết kế chuồng nuôi có nền gạch hay xi măng cho lợn nằm, có đủ diện tích để tắm cho lợn, do đó diện tích chuồng nuôi cho một con lợn là cao hơn phương thức nuôi truyền thống.
Một số khó khăn, hạn chế trong việc phát triển sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi
Nguyên liệu để làm đệm lót sử dụng 50 - 70% là mùn cưa, phoi bào, do đó để huy động nguồn nguyên liệu lớn là rất khó khăn nên hạn chế việc triển khai ra diện rộng. Cần nghiên cứu thử nghiệm các nguyên liệu khác từ phụ phẩm nông nghiệp để thay thế cho mùn cưa.
Chi phí ban đầu cho đệm lót là tương đối lớn, bình quân 250.000 – 300.000 đồng/con lợn lứa đầu và bổ sung 120.000 - 150.000 đồng/con lợn các lứa tiếp theo (theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội).
Quá trình lên men của vi sinh vật trong đệm lót đã sinh nhiệt làm nhiệt độ chuồng nuôi tăng, luôn ở mức 30 - 40oC, có thể đến 45oC, do đó ảnh hưởng đến vật nuôi như gà ở giai đoạn vỗ béo, gà sinh sản, lợn trên 60 kg, nhất là vào mùa hè.
Tốn diện tích chăn nuôi, khó áp dụng cho chăn nuôi công nghiệp vì không thể nuôi với mật độ cao.
Phải tuân thủ kỹ thuật sử dụng và bảo quản đệm lót để phát huy khả năng phân hủy chất thải của vi sinh vật trong đệm lót.
Do nuôi lưu cữu nhiều lứa trên nền đệm lót nhưng không được phun sát trùng nên mầm bệnh tồn tại trong đệm lót có thể gây ô nhiễm, đặc biệt khi dịch bệnh xảy ra với vật nuôi đang nuôi trên đệm lót sinh học, phải tiêu hủy toàn bộ đệm lót gây ảnh hưởng đến kinh tế cho người chăn nuôi.
Chưa có những nghiên cứu sâu, chuyên ngành về mặt phát thải, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt lợn, gà, trứng gà nuôi theo quy trình này, tác động của hệ vi sinh vật đến môi trường sống…
Nghiên cứu và thử nghiệm máy cầm tay để xới, đảo đệm lót khi áp dụng ở quy mô chăn nuôi trang trại.
Trong thực tế, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã khắc phục tình trạng nắng nóng trong mùa hè bằng cách cải tiến chuồng nuôi, 70% diện tích là nền làm đệm lót, 30% làm nền bê tông có gờ ngăn cách với nền đệm lót để có thể dùng nước chống nóng vào những ngày nhiệt độ cao, hoặc trồng cây xanh, cây dây leo phủ lên mái chuồng để tạo bóng mát. Những nơi có mạch nước ngầm cao gây ảnh hưởng đến nền đệm lót đã được cải tiến bằng cách xây dựng chuồng nổi.
Với mục đích giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, việc lựa chọn giải pháp chăn nuôi gà, lợn trên nền đệm lót là phù hợp đối với gà có khối lượng cơ thể nhỏ (dưới 2 kg/con), gà không béo; lợn có khối lượng dưới 60 kg/con. Người chăn nuôi phải tìm hiểu các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi của gia đình, lựa chọn giải pháp phù hợp nhất để phát triển chăn nuôi, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và cho hiệu quả cao nhất.
Theo Khuyến nông Quốc gia
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn