Mô hình cánh đồng lớn lúa - tôm được thí điểm ở Cà Mau năm 2012 và mang lại hiệu quả...
Trên cơ sở đó, năm 2013, Trung tâm KN-KN Cà Mau tiếp tục kết hợp với xã Nguyễn Phích (U Minh) triển khai 120 ha và xã Biển Bạch (Thới Bình) làm 80 ha. Kết quả năng suất lúa tăng gần 0,5 tấn/ha, chi phí SX giảm 500.000 đ/ha, lợi nhuận trên 6 triệu đ/ha. Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2014 vừa qua, Trung tâm KN-KN triển khai SX 200 ha trên địa bàn xã Trí Lực (Thới Bình). Người dân rất phấn khởi vì trúng mùa. Nông dân Trần Văn Úc ở xã Trí Lực cho biết, tham gia CĐL bà con được hỗ trợ vốn và tập huấn kỹ thuật. Mọi người cùng xuống giống, cùng canh tác cùng thu hoạch nên năng suất cả lúa và tôm đều tăng. Được biết, gia đình ông Úc có 1,5 ha làm lúa - tôm, năm 2014 cho thu nhập 100 triệu đồng. Ông Huỳnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Trí Lực cho biết, trong mô hình lúa - tôm, công tác triển khai 1 vụ lúa là rất quan trọng. SX lúa giúp cải tạo môi trường, là tiền đề để nuôi tôm thành công. Đặc biệt, được sự giúp đỡ kỹ thuật của Trung tâm KN-KN, người dân rất phấn khởi vì SX giảm chi phí, thêm thu nhập. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, CĐL lúa - tôm đang bị "bỏ ngỏ" khâu liên kết "bốn nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp). Trên thực tế, chỉ có ba nhà làm. Việc đóng góp của nhà DN còn rất hạn chế. Ông Dương Quốc Mỹ, PGĐ Trung tâm KN-KN Cà Mau thừa nhận, đang rất khó kêu gọi DN ký kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân làm CĐL. Ông Mỹ phân tích, thực tế Cà Mau không phải là vùng đất có thế mạnh về lúa nên các DNXK lúa gạo, thuốc BVTV không mặn mà lắm với vùng nguyên liệu rải rác ở các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh và TP. Cà Mau. Năm 2014 tỉnh chỉ kêu gọi được 2 DN thu mua lúa trong CĐL là Cty CP Xuất nhập khẩu nông sản - thực phẩm Cà Mau (mua khoảng 10.000 tấn lúa) và Cty TNHH GFC Cần Thơ (mua 300 tấn lúa ST20). Thêm vào đó, DN thu mua lúa trên địa bàn tỉnh không có nhiều, lượng lúa được tiêu thụ chủ yếu do Cty CP Xuất nhập khẩu nông sản - thực phẩm Cà Mau thực hiện. Họ không đảm bảo thu mua hết và cũng không tạo ra được sự cạnh tranh. “Trong giai đoạn 2012 - 2014, Trung tâm KN-KN đã triển khai được 8.567 ha CĐL với sự tham gia của 7.390 hộ dân. CĐL đã tạo được sự liên kết giữa nông dân, bước đầu đạt được mục tiêu tăng năng suất lúa 15 - 20%. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình CĐL lúa thâm canh nói chung và lúa - tôm nói riêng. Kêu gọi DN ngoài tỉnh tham gia liên kết làm CĐL. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho nông dân được chú trọng hàng đầu”, ông Dương Quốc Mỹ khẳng định.
NongNghiep.vn