Cái nắng tháng 8 như nung không làm bớt đi sự hào hứng của bà con ấp Bình Phú khi đứng bên những chân ruộng ớt xanh mướt đang vào kỳ thu hoạch.
Một ngày thu 30 triệu đồng
Lau vội mồ hôi trên gương mặt đen sạm vì nắng gió, anh Huỳnh Văn Tỷ cười khà khà: "Ngày trước đất này mình trồng lúa, lao động quần quật cả năm chỉ đủ ăn. Phải đến khi các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đem giống ớt 207 về hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, bà con mới tìm được hướng đổi đời. Cây ớt hợp với thổ nhưỡng, khí hậu lại được chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất cao, bán được giá! Đất Bình Ninh này nặng tình với cây ớt lắm rồi".
Người dân thu hoạch ớt |
Nhà anh Tỷ có 1,1ha đất ruộng đều trồng ớt, năng suất mỗi công ớt 1-1,2 tấn/vụ. Trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh lãi hơn 120 triệu đồng. Ngày trước, cũng như bà con trong xã, gia đình anh trồng lúa, rồi cà chua, dưa leo nhưng hiệu quả không cao. Nhờ ớt mà kinh tế khá lên gấp 10 lần so với trồng lúa. Mới đây, chỉ một ngày thu hoạch ớt, anh Tỷ bán được gần 30 triệu đồng.
Phong trào trồng ớt xuất hiện ở Bình Ninh khoảng 10 năm trước, nhưng thật sự "nở rộ" trong 3 năm trở lại đây. Chị Trần Thị Thọ - một chủ hàng mua ớt xã Bình Ninh cho biết: "Ớt rất hút hàng, nhất là xuất khẩu sang thị trường các nước: Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... Chỉ tính tại xã đã có hơn chục thương lái đến thu mua ớt mỗi ngày, có lúc người dân không đủ lượng ớt giao cho thương lái".
Các gia đình trồng ớt ở Bình Ninh nay đều có mức sống từ khá trở lên. Nhiều "kiện tướng trồng ớt" xây được nhà lầu, sắm được xe hơi, như các ông Nguyễn Văn Ánh (ấp Bình Phú), Nguyễn Văn Việt (ấp Bình Quới Hạ)… Anh Huỳnh Văn Hà ở ấp Bình Quới Hạ tâm sự: "Trung bình 1 công đất trồng ớt thấp nhất cũng lãi hơn 10 triệu đồng/năm. Việc xây dựng cánh đồng 100 triệu/ha/năm đối với bà con vùng này bây giờ không còn khó nữa...".
Thương hiệu “ớt phủ bạt”
Với vùng quê đất cát pha như Bình Ninh, cây ớt đã trở thành "chìa khóa" giúp người dân thoát khỏi cảnh nghèo khó để vươn lên làm giàu. Ớt dễ trồng, được thu hoạch sớm (sau khoảng 70 ngày trồng), trung bình mỗi năm trồng 2 vụ, mỗi vụ thu hoạch từ 5-7 lần. Tuy nhiên, ớt có nhược điểm là khi đang phát triển mà gặp một cơn mưa lớn rất dễ ngã đổ. Khắc phục nhược điểm này, bà con đã sáng kiến phương thức trồng ớt phủ bạt.
Thương lái mua ớt tại ruộng |
Anh Nguyễn Văn Việt - người trồng ớt phủ bạt đầu tiên ở Bình Ninh cho biết: "Cây ớt cho thu nhập cao, nhưng chỉ trồng được trong mùa nắng. Mùa mưa nước xối trôi dạt đất, làm cây ngã. Tôi đi thăm quan thấy những hộ trồng dưa phủ bạt đã hạn chế được xói lở gốc rễ khi mưa, và mình đã làm theo...".
Ban đầu chi phí của anh Việt cho 1 sào trồng ớt phủ bạt, khoảng gần 1 triệu đồng. Số tiền quá lớn, nhưng đến khi thu hoạch, bình quân mỗi sào thu 1 tấn ớt tươi, tăng gấp 5 lần so với chi phí. Từ đó trồng ớt phủ bạt đã lan rộng khắp các cánh đồng không chỉ ở xã Bình Ninh mà lan sang cả những địa phương khác ở Chợ Gạo.
"Giống ớt Hai mũi tên với tính ưu việt là màu sắc đẹp, chín đỏ mọng, trái cứng, vỏ dày đã khẳng định được vị thế trên thị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục "đề nghị" các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thử nghiệm cho ND địa phương những giống ớt mới với những kỹ thuật mới. Làm nông nghiệp thời nay không thể tách rời KHKT, lãnh đạo địa phương và người dân đều ý thức được điều đó..."- Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thành Công tâm sự. N
Do giá ớt luôn ổn định ở mức cao (8.000-25.000 đồng/kg) nên diện tích ớt ở Bình Ninh ngày càng mở rộng. Hiện toàn xã có khoảng 1.000 hộ trồng ớt, hộ trồng ít 3-4 công, hộ nhiều 5-7 công, có hộ trồng hơn 1ha. Vào mùa vụ, ngày nào bà con cũng giao cho thương lái 30 tấn/ngày.
Vân Minh- Xuân Huy
Nguồn danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn