Anh Quý bên xưởng chế biến chè khô của minh |
Bố mẹ vốn có thâm niên buôn bán chè tươi đã lâu và thường xuyên thu gom chè quanh xã để bán cho các nhà máy chế biến chè ở các huyện Thanh Ba, Yên Lập nên chàng trai trẻ này đã sớm thừa hưởng được truyền thống gia đình.
Anh Quý tâm sự: “Nhận thấy điều kiện vùng nguyên liệu quê mình có sẵn, trong khi bà con nông dân lại gặp nhiều khó khăn do việc chè luôn bị các nhà máy ép giá, mình nghĩ tại sao lại không tự mở xưởng chế biến chè khô ngay tại nhà để giúp việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn”.
Những ngày đầu để tích luỹ kinh nghiệm, anh đi sang tận huyện Thanh Ba để học hỏi kỹ thuật chế biến chè khô, đến các nhà máy tìm hiểu các thiết bị máy móc rồi xuống tận Hà Nội tìm kiếm đầu mối thu mua. Sau một thời gian dài ấp ủ, anh quyết định mở xưởng ngay tại nhà.
Với số vốn được bố mẹ cùng với anh em, người thân giúp đỡ được 250 triệu đồng, kết hợp với 200 triệu đồng vay từ ngân hàng huyện, anh mua 2 máy vò, 3 quạt héo, 1 máy sấy.
Khi mới bước vào vụ chè, anh trực tiếp thu mua chè tươi tại nhà, đồng thời gom thêm các điểm mua của các xã lân cận. Anh Quý chia sẻ: “Mỗi ngày, mình huy động 1 xe tải thu gom chè, thuê nhân công làm ca cho vận hành máy móc 24/24 giờ, cứ 8 tiếng 1 máy làm héo 1 tấn chè tươi, rồi sau đó sấy 3 tấn chè khô”.
Nhận thấy việc kinh doanh có khả năng phát triển tốt, ngoài việc chế biến chè khô, anh lại tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm từ các xưởng chế biến gỗ ép phục vụ xuất khẩu.
Anh Quý kiểm tra chất lượng chè sau khi sao
Năm 2010 anh quyết định mở thêm xưởng bóc gỗ ép, phân phối sản phẩm cho các nhà máy và công ty chế biến gỗ tại Đông Anh (Hà Nội). Anh Quý nói: “Mình tận dụng những mẩu gỗ thừa, gỗ vụn, mùn gỗ để làm chất đốt sấy chè khô, giảm chi phí mua nhiên liệu đốt và vừa sử dụng hết sản phẩm. Hằng ngày, mình thu mua gỗ ở quanh xã và các vùng lân cận.
Xưởng chế biến nông lâm sản của anh có diện tích gần 5.000 m2 với 6 máy vò, 2 máy sấy, 6 quạt héo để phục vụ chế biến chè khô, 2 máy bóc gỗ, 2 máy tu (làm tròn cây gỗ), 2 máy cắt điện tử (cắt ván ép thành tấm vuông) để phục vụ cho bóc gỗ ván ép.
Anh Qúy chia sẻ: “ Để làm ra sản phẩm được khách hàng đón nhận thì khâu kĩ thuật cực kì quan trọng. Ví dụ như chè muốn đạt chất lượng thơm ngon, có giá trên thị trường, nguyên liệu để chế biến chè khô phải tươi, đẹp, sạch, quy trình SX phải trải qua nhiều khâu rất nghiêm ngặt từ thu mua nguyên liệu chè tươi đến làm héo, rồi vò, lên men, sau đó sấy khô và phân loại chè”.
Anh Quý theo dõi quá trình sơ chế gỗ nguyên liệu
Với quy mô SX lớn, mỗi năm trừ chi phí anh thu về 800 triệu đồng. Mỗi ngày chế biến 15 tấn chè tươi, 30 khối gỗ, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động thường xuyên, 40 lao động theo thời vụ chè tại địa phương. Mỗi lao động có thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng.