Sau khi kết thúc vụ lúa đông xuân, thay vì tiếp tục làm vụ hè thu và thu đông, các địa phương đã chuyển một phần diện tích đất trồng lúa chuyển sang nuôi tôm bắt đầu từ tháng Tư (âm lịch) cho đến hết mùa lũ.
Trong thời gian nuôi tôm, mặt ruộng vẫn được tiếp nhận phù sa của mùa lũ và cách ly tốt mầm bệnh giữa hai vụ lúa. Khi thu hoạch tôm xong, nông dân an tâm xuống giống vụ lúa đông xuân. Với cách làm trên trong vài năm trở lại đây, nông dân trong vùng nôi tôm rất an tâm sản xuất do vụ lúa đông xuân đạt năng suất cao, lợi nhuận từ nuôi tôm thường cao hơn gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa vụ hè thu.
Rút kinh nghiệm từ vụ nuôi năm 2012, ngay từ đầu vụ, Ủy ban Nhân dân huyện đã tổ chức cho các cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh trên địa bàn huyện tham quan học tập kinh nghiệm tại Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ. Từ đó, liên kết tìm nguồn giống có chất lượng tốt nhằm cải thiện nguồn giống kém chất lượng trong vụ nuôi trước để phục vụ cho người nuôi đạt hiệu quả. Các trại sản xuất giống tôm càng xanh trong huyện cũng nâng cao chất lượng con giống từ khâu tuyển chọn tôm bố mẹ từ các hộ nuôi thương phẩm đạt chất lượng trong và ngoài huyện về để nuôi dưỡng phục vụ cho sản xuất giống.
Bên cạnh đó, ngành chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hướng dẫn người dân chọn mua con giống ở những cơ sở có uy tín đảm bảo chất lượng, con giống phải được kiểm dịch chặt chẽ trước khi xuất khỏi cơ sở nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra chất lượng đàn tôm bố mẹ trước khi đưa vào sản xuất nhằm đảm bảo con giống được sản xuất ra đạt chất lượng tốt; hướng dẫn cải tạo mặt ruộng thành ao nuôi; định kỳ quan trắc môi trường nước các vùng nuôi tôm tập trung, kịp thời khuyến cáo người nuôi khi có sự biến động môi trường để hướng dẫn người dân quản lý tốt môi trường nước ao nuôi; thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật kịp thời hướng dẫn người dân cách chăm sóc quản lý tốt ao nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra góp phần mang lại hiệu quả./.
Theo TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn