Anh Lê Thống ở Thôn An Tự, xã Điện Thắng Nam, huyện Điện Bàn là một chủ cơ sở sản xuất nấm rơm điển hình. Với diện tích hơn 100m2, anh đã chia làm 3 đợt trồng nấm, mỗi tháng anh đều đưa vào sử dụng từ 5 đến 10 tấn nguyên liệu rơm, bình quân mỗi tháng gia đình anh thu lãi từ 6-7 triệu đồng.
Anh Thống cho biết, anh đã qua 10 năm kinh nghiệm trong nghề trồng nấm tuy dễ mà khó này, các công đoạn ủ, vào giống, chăm sóc đòi hỏi phải đúng quy trình kỹ thuật, vệ sinh môi trường sạch sẽ... Thời gian tới, anh Thống có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất để tiếp tục nâng cao kinh tế cho gia đình.
Mặc dù chí phí đầu tư trồng nấm Linh chi rất lớn, quy trình kỹ thuật khá phức tạp, đòi hỏi người sản xuất phải chịu khó tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, nhưng không vì thế mà làm cho anh Hồ Công Phượng ở Bình Tú, huyện Thăng Bình nản lòng. Cùng với sự hỗ trợ giống, kỹ thuật của Trạm sản xuất nấm Điện Ngọc, anh Phượng đã mạnh dạn đầu tư trồng nấm Linh chi và đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Với 1000 bịch nấm Linh chi, anh Phương có nguồn thu hơn 15 triệu đồng sau 110 ngày trồng
Anh Phượng cho biết, trước đây anh trồng nấm sò có nhiều thuận lợi như: có thu nhập hằng ngày, nhanh thu hồi vốn (khoảng 60 ngày là cho thu hoạch), nhưng từ khi chuyển sang trồng nấm Linh chi, tuy thời gian dài (110 ngày), chi phí lớn, nhưng cho thu nhập cao hơn sản xuất các loại nấm khác. Chi phí 1000 bịch nấm Linh chi hết 6 triệu đồng, khi thu hoạch 1000 bịch nấm cho khoảng 25 kg nấm khô, với giá thị trường hiện nay 700.000 đồng/kg nấm khô thì anh thu hơn 15 triệu đồng, lợi nhuận ròng hơn 9 triệu và diện tích chỉ mất khoảng 10m2.
Các loại nấm có quy trình sản xuất đơn giản, phù hợp với điều kiện của bà con nông dân, cũng như sản phẩm được tiêu thụ khá phổ biến hiện nay. Mặt khác, việc tận dụng lượng rơm rạ để sản xuất nấm sẽ hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường sau mỗi vụ Hè Thu do bà con chỉ chú trọng đến thu hoạch lúa mà thường bỏ qua khâu dọn rơm rạ trên đồng ruộng.
Nghề trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều cây trồng khác, mở ra hướng làm kinh tế mới cho bà con Quảng Nam. Vì vậy cần có cơ chế khuyến khích phát triển nghề trồng nấm, đây là một hướng đi đúng, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị hiếu người tiêu dùng, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn; góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Phan Văn Phước
TTKNKN Quảng Nam
Nguồn khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn