Năm 2005, ông Trần Văn Kiếm trú thôn 2 và ông Hoàng Quốc Bài tại thôn 5, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), đã quyết định đưa cá lăng về nuôi thử nghiệm ngay trong ao, hồ của mình và đã đạt được những thành công ngoài mong muốn. Chỉ với 300 con, ngay trong năm đầu tiên hai ông đã thu về hơn 200 triệu đồng. Trước những thành công đó vào tháng 7-2009, CLB cá lăng xã Hòa Phú đã được thành lập với 16 thành viên, Đến nay CLB đã có 22 thành viên, có thành viên mỗi năm thu được khoảng 1 tấn cá lăng. Không chỉ tham gia nuôi cá ở trong CLB, nhiều hộ khác còn mạnh dạn đầu tư vốn để nuôi riêng trong diện tích ao, hồ của mình với số lượng lên đến hơn 1.000 con. Năm 2007, sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, ông Nguyễn Ninh Tuấn, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) quyết định thuê mặt hồ Ea Kao để bắt đầu làm lồng nuôi cá lăng. Thời gian đầu với ba lồng, mỗi lồng chừng 1.500 con đã mang lại lợi nhuận cho ông lên tới hơn trăm triệu đồng. Từ đó ông đã mạnh dạn mở rộng qui mô, đến nay ông đã có 40 lồng cá lăng đuôi đỏ, mỗi lồng thu hoạch khoảng 1,5 tấn cá/năm. Ông Tuấn cho biết: “Nuôi cá lăng nha đuôi đỏ ít có rủi ro về bệnh mà gia đình tôi cũng đã làm máy chế biến thức ăn từ trùn quế qua đó bảo đảm 30% lượng thức ăn cho cá”. Với cách làm khoa học, bảo đảm được một phần nguồn thức ăn, hằng năm trừ đi 50% kinh phí bỏ ra đầu tư, với tầm giá 150.000 đồng/kg, ông thu về được hơn 4 tỷ đồng.
Có mặt tại làng nuôi cá bè trên hồ thủy điện Buôn Tua Sah, xã Krông Nô (Lak) mới thấy hết được sức sống từ những lồng cá trên hồ tại đây. Từ cuối năm ngoái, ông Nguyễn Văn Phái, ở xóm bè, hồ thủy điện Buôn Tua Sah, xã Krông Nô đã đầu tư hơn 30 triệu đồng để mua 10.000 con cá giống lăng nha (đuôi đỏ) về thả trong hai lồng có tổng thể tích nước gần 500 mét khối. Hằng ngày, ngoài thức ăn bột, ông đánh ghe thuyền đi bắt cá tạp về cho cá lăng ăn. Sau 9 tháng nuôi, hiện nay mỗi con cá đã đạt gần 1,5kg. Ông Phái hồ hởi cho biết, với giá xuất ra thị trường hiện nay từ 180.000 đến 200.000 đồng/kg, thì hai lồng cá của ông đã có thể thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Hiện ông mới bán gần 500 con, thu hơn 100 triệu đồng. Số còn lại, ông dự định mỗi con phải đạt xấp xỉ 2kg trở lên mới bán. Người đứng thứ nhì về số lượng nuôi cá lăng nha tại làng cá bè thủy điện Buôn Tua Sah là ông Phạm Văn Thịnh, ở buôn Phi Vi Ja B, xã Krông Nô. Thả cá nuôi trong 8 tháng, với 6.000 con nhưng cả bè cá của ông chỉ bị chết 5 con, mà giờ đàn cá của ông trung bình cũng từ 6 đến 7 lạng/con, ông Thịnh phấn khởi: “Nuôi cá lăng dường như không có rủi ro gì mà điều quan trọng nhất là thức ăn dành cho cá. Cá lăng nha rất tạp ăn nên người nuôi phải chú ý cung cấp đều đặn thức ăn cho cá, chứ cá da trơn rất ít nhiễm bệnh, tôi nuôi ở đây chưa có rủi ro gì”. Cũng theo nhiều người dân xung quanh đây cho biết, nuôi cá lăng nha hiệu quả thu lại đạt cao hơn nhiều so với các loại cá khác như cá trắm, cá lóc… Như một bè trung bình có diện tích dài 13 mét, ngang 4 mét, chứa được khoảng 6.000 con, thì nuôi cá lóc có thể số lượng nhiều hơn nhưng cá lăng thì ít rủi ro, đạt 99% sống, còn cá khác có khi mất trắng.
Từ ba năm nay, trên lòng hồ thủy điện Buôn Tua Sah, ngoài Tập đoàn nuôi cá hồi Việt Nam, đã có hơn 40 hộ nuôi cá, trong đó xã Krông Nô có 19 hộ làm bè lớn sinh sống và nuôi cá trên lòng hồ. Lúc đầu bà con chỉ nuôi các loại cá thông thường như: cá trê, cá trắm, cá chép, cá lóc. Hơn một năm lại đây, nhiều hộ đã đầu tư nuôi cá lăng nha đuôi đỏ. Một số hộ đã cho thu hoạch những mẻ cá đầu tiên, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Để giúp bà con kiến thức kỹ thuật nuôi, đơn vị khuyến nông cơ sở đã tích cực vào cuộc, ông Đoàn Văn Lập, cán bộ khuyến nông xã Krông Nô (Lak) cho biết: “Bên khuyến nông chúng tôi, bên cạnh việc hỗ trợ bà con kiến thức, kỹ thuật nuôi cung cấp cho bà con đầy đủ thì chúng tôi cũng tư vấn hỗ trợ đầu ra cho bà con để mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Hiện diện tích lòng hồ Buôn Tua Sah cao điểm lên tới 4.200 ha, mùa khô cũng sử dụng trên 1.000 ha, đây là một điều kiện rất thuận lợi để phát triển tốt thủy sản trên địa bàn. Ông Y Krang Ndu, Chủ tịch UBND xã Krông Nô cho biết, hiệu quả từ các mô hình nuôi cá lăng nha đuôi đỏ của các hộ dân ở làng bè thủy điện Buôn Tua Sah đang mở ra hướng đi mới cho ngành thủy sản địa phương. Do vậy, xã Krông Nô sẽ có kế hoạch hỗ trợ bà con để phát huy hết tiềm năng không chỉ lòng hồ thuỷ điện mà còn hàng trăm ao, hồ đập thủy lợi khác trên địa bàn. Ngoài ra xã cũng sẽ hết sức tạo điều kiện cho người dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển.
Dak Lak là tỉnh có diện tích mặt ao hồ rất lớn với hơn 52 nghìn ha và đây cũng là một điều kiện thiên nhiên rất tốt để phát triển thủy sản. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là các mô hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cần được đầu tư tốt, chăm sóc đúng quy trình, mở rộng thâm canh. Kỹ sư Trịnh Bá Sơn, Trưởng phòng nuôi trồng và khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, (Chi cục Thủy sản tỉnh Dak Lak) cho biết: cá lăng nha, hay còn gọi là cá lăng đuôi đỏ là một đối tượng có giá trị kinh tế cao, đặc sản. Trước kia chỉ đánh bắt tự nhiên lấy giống nuôi, còn hiện nay bà con đã chủ động con giống, lấy giống từ các nơi đem về nuôi, hiện các huyện đang triển khai các mô hình như vậy. Đây là hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản. Về hình thức nuôi, hiện có hai loại là nuôi trong ao đất và nuôi trong lồng bè. Qua khảo sát ban đầu, cả hai hình thức đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhưng về phía chuyên môn điều đáng quan tâm nhất là về thức ăn, vì hiện nay đa số người dân thường cho cá ăn tạp. Ông Sơn khuyến cáo: “Để tránh ô nhiễm môi trường, người dân phải có biện pháp chế biến thức ăn. Người dân cũng cần lưu ý nên xả cạn nước, dùng vôi hoặc một số chất sát trùng để diệt các mầm bệnh trong ao nuôi để đảm bảo khi thả cá lăng xuống không nhiễm bệnh”.
Theo Báo Đắk Lắk
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn