Vượt khó
Trước khi chúng tôi tìm đến trang trại của ông Rõ, ông Trần Văn Diệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ân Tường Tây đã giới thiệu: “Ông Rõ làm ăn giỏi lắm, đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm từ chăn nuôi heo, gà, vịt kết hợp trồng rừng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Rõ còn là trưởng thôn có trách nhiệm, năng nổ, nhiệt tình, công tác xã hội rất hiệu quả”. Ấy vậy mà khi gặp mặt, ông Rõ lại khiêm tốn: “Tôi có gì đâu mà viết báo. Thôn này có khối người giỏi hơn tôi ấy chứ!”. Nói vậy nhưng sau vài ly trà, ông Rõ cũng bắt đầu câu chuyện làm ăn của mình.
“Tôi vốn là người con vùng quê ven biển Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn. Năm 1990, nhận thấy đất đai trên này màu mỡ, rộng rãi, tôi vay mượn bạn bè, anh em để sang nhượng khu đất rộng 4ha dưới chân đồi Gò Loi, thuộc thôn Tân Thịnh, để làm trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Lúc đầu, do chưa rành kỹ thuật cộng với chưa có kinh nghiệm nên làm đâu thất bại đó”, ông Rõ nhớ lại.
Loay hoay chưa biết phải làm cách nào để thoát nghèo thì ông Rõ gặp lại người bạn thân lập nghiệp ở miền Nam về chơi và chia sẻ kinh nghiệm làm trang trại. Được bạn truyền cho nhiều “bí kíp” làm ăn, ông Rõ quyết định đánh thức vùng đất trống đồi trọc này bằng mô hình trang trại tổng hợp trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu ông nuôi vài con heo, dần dần lên đến 40 - 50 con; tiếp tục mở rộng đàn gà, bò, trồng rừng nguyên liệu giấy và hồ tiêu…
Sau hơn 20 năm “cày ải” trên vùng đất đồi hoang hóa, nơi thấm đẫm những giọt mồ hôi của ông và gia đình, cùng cái đầu biết tính toán, ông có trang trại cho thu nhập bạc tỷ. Trang trại của ông Rõ rộng khoảng 6ha, trong đó diện tích rừng keo lai, bạch đàn 4ha; chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, ao nuôi cá, vườn tiêu 2ha.
Ông Rõ cho biết: “Tôi có 4ha rừng trồng, 400 gốc tiêu, 24 con heo nái lai sinh sản, 250-300 con heo thịt hướng nạc/lứa, 150 gà mái đẻ cùng 3.000 - 5.000 con gà thả vườn, 400 con vịt, tổng thu nhập khoảng 2,2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, lãi gần 1 tỷ đồng. Trang trại của tôi thực hiện theo quy trình chăn nuôi khép kín. Tôi tự sản xuất con giống để chăn nuôi, luôn chú trọng phòng và điều trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm”.
Theo ông Rõ, để làm kinh tế trang trại thành công, ngoài tinh thần dám nghĩ, dám làm, chịu khó, chịu khổ, kiên trì, sáng tạo còn phải nắm vững kỹ thuật đối với từng loại cây trồng, vật nuôi. Ví dụ, đối với đàn gà thả vườn, phải chú trọng khâu chọn giống, kỹ thuật úm gà khi còn nhỏ, tiêm vắc-xin định kỳ. Còn đối với đàn heo, phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng kết hợp tiêm vắc-xin phòng ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả. Đồng thời người chăn nuôi phải nhạy bén với thị trường, biết nhìn nhận và đánh giá thị trường vào từng thời điểm để có được giá bán sản phẩm cao.
Thêm một tâm nguyện
Nhìn lại quãng thời gian hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Tân Thịnh, ông Rõ bộc bạch: “Ngày mới đến lập nghiệp ở đây, tôi chỉ mong sao cuộc sống đỡ vất vả chứ đâu nghĩ sẽ có được cơ ngơi, sự nghiệp như hôm nay. Thậm chí, khi tôi bắt tay vào khai phá vùng đất này, ai cũng bảo tôi… gàn”.
Nghe ông nói vậy, chúng tôi tưởng ông đã hài lòng với những gì mình có, nhưng không phải vậy. Ông tâm sự: Việc chăn nuôi hiện nay chỉ là biện pháp “lấy ngắn nuôi dài”. Tâm nguyện của tôi là khôi phục diện tích và thương hiệu cây chè Gò Loi nổi tiếng trước đây. Đất đai ở Tân Thịnh khá màu mỡ, phù hợp với cây chè, tiếc là thời gian qua, cây chè không được quan tâm nên bị phá gần hết”.
Ông Mai Văn Rõ chăm sóc đàn gà. |
Phú Mỹ
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn