Ấn tượng đầu tiên khi đến xã Nghi Hưng (Nghi Lộc) là cơ sở vật chất trường học, trạm y tế... đều đầu tư xây dựng đồng bộ. Có được kết quả này là nhờ sớm xác định vai trò quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của xã hội, Đảng bộ Nghi Hưng đã đề ra Nghị quyết về xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Đường bê tông mới hoàn thành ở xóm 9 - Nghi Hưng - Nghi Lộc. |
Triển khai thực hiện, xã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng trường mầm non 11 phòng học khang trang với đầy đủ thiết bị, tạo điều kiện để các cháu ở các lớp lẻ được tập trung về một điểm ở trung tâm xã. Gắn với nhiệm vụ được giao, chi bộ trường mầm non xây dựng kế hoạch, chương trình để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, nâng cao chất lượng dạy và học; triển khai chủ trương xã hội hóa giáo dục, huy động nhân dân đóng góp xây dựng khuôn viên, các công trình phụ trợ, vườn rau sạch, cây cảnh, nhà xe… Từ một trường yếu về mọi mặt, Trường Mầm non Nghi Hưng được công nhận là trường chuẩn quốc gia giai đoạn I năm 2010 và là một trong những trường đứng tốp đầu trong bậc học mầm non của huyện Nghi Lộc.
Cũng nhờ có nghị quyết và sự quan tâm đầu tư cho giáo dục bằng giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa, năm 2009, Trường Tiểu học Nghi Hưng được công nhận là trường chuẩn quốc gia giai đoạn 1. Hiện Nghi Hưng đang xây dựng Trường THCS Hưng Đồng thành trường chuẩn quốc gia giai đoạn I trong năm nay.
Song song công tác giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được Đảng bộ chú trọng thông qua Nghị quyết “Xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế”. Là xã miền núi xa trung tâm huyện, để tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt, Đảng bộ, chính quyền xã Nghi Hưng tập trung nguồn lực, nâng cấp trụ sở Trạm Y tế xã. Đến nay, Trạm Y tế xã Nghi Hưng có bác sỹ, được trang bị các thiết bị y tế, có phòng bệnh để bệnh nhân có thể lưu trú, vừa giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Năm 2010, Nghi Hưng được công nhận là xã chuẩn quốc gia về y tế.
Điều dễ nhận thấy khi về Nghi Hưng hôm nay là nhiều tuyến đường được bê tông hóa thay những con đường đất lầy lội trước đây. Bí thư Đảng ủy Nguyễn Hải Hậu cho biết: Là xã miền núi, trước đây Nghi Hưng toàn đường đất, mùa mưa đi lại rất khó khăn. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, họp dân, nắm bắt tình hình dư luận, người dân mong muốn được đầu tư xây dựng tuyến đường liên xã, nội xã, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2009, Đảng bộ xã đề ra Nghị quyết làm đường giao thông với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, huy động đóng góp 200.000 đồng/khẩu. Chủ trương xuất phát từ nguyện vọng của người dân nên được bà con đồng tình hưởng ứng.
Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ Nghi Hưng đề ra Nghị quyết về “Huy động nội lực để xây dựng kết cấu hạ tầng”, trong đó vận động nhân dân phát huy nội lực xây dựng đường giao thông nông thôn, thiết chế văn hóa. Điển hình như xóm 9 là xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã, nhân khẩu ít (80 hộ). Đường nội xóm chủ yếu là đường dốc, đất đá. Được tuyên truyền sâu rộng cụ thể, bà con nhận thức được việc đầu tư xây dựng đường GTNT là phục vụ cho chính cuộc sống của mình, mình là người hưởng lợi. Vì vậy, khi xóm phát động phong trào, mỗi khẩu đóng góp 1,6 triệu đồng, nhiều hộ tự nguyện đóng góp thêm để làm mương thoát nước. Xóm 9 đã làm được hơn 1,7 km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn; xây dựng khuôn viên nhà văn hóa xóm trị giá gần 100 triệu đồng. Bí thư Chi bộ xóm 9, Đậu Thị Nguôn chia sẻ: "Vấn đề nan giải nhất đối với xóm là làm đường GTNT đã được giải quyết. Khi đề ra chủ trương, chi bộ, ban cán sự xóm nghĩ không khả thi với một xóm còn nhiều hộ nghèo. Nhưng với sự hỗ trợ của xã về công tác GPMB, sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên đã tạo đà cho người dân trong xóm cùng chung sức, hoàn thành 100% đường bê tông nội xóm".
Trao đổi về kinh nghiệm huy động sức dân trong đầu tư xây dựng hạ tầng, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hải Hậu cho biết thêm: "Đảng bộ xác định để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của xã miền núi nghèo, trước hết phải tập trung cho kết cấu hạ tầng. Đảng bộ ra nghị quyết, điều quan trọng ở đây là chủ trương nghị quyết hợp lòng dân nên được nhân dân đồng lòng, khơi dậy tinh thần nội lực trong dân. Người dân tự nguyện đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng nhà văn hóa, thiết chế văn hóa của xóm, làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng… Từ năm 2010 đến nay, trong số 36,5 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, nhân dân đóng góp trên 6 tỷ đồng".
Với bước đi đúng đắn, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã tạo động lực cho kinh tế - xã hội ở Nghi Hưng phát triển, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Nhiều nghề mới phát triển, đặc biệt là dịch vụ như buôn bán tạp hóa, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp; hình thành các nghề mới như mộc dân dụng, gò hàn…Nghi Hưng duy trì và phát triển làng nghề chổi đót ở xóm 10 và xóm 11, tăng thu nhập kinh tế hộ và cho địa phương. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người ở Nghi Hưng là 18,8 triệu đồng/năm, tăng 2 triệu đồng so với năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo còn 10%, năm 2012 hơn 13%.
Thanh Lê
Theo baonghean
Theo baonghean