Trận gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, làng biển bãi ngang (*)Quảng Bình như co ro hơn. Những lão ngư quây lại vòng lưới, kéo thuyền lên bờ bó gối. Từ đây đến ra tết Nguyên đán, họ phải mưu sinh xa biển, chạy ăn từng bữa khắp nơi. Họ gọi đó là mùa “cất biển” (theo tiếng địa phương, nghĩa là đóng gói mọi thứ để đợi hết gió mùa mới ra khơi vụ cá năm sau).
Mưu sinh xa biển
Gác lại tay chèo vùng lộng, lão ngư Nguyễn Đồng (Thanh Bình, Quảng Xuân, Quảng Trạch) nói: “Chừ là cất thuyền trước sóng rồi, mùa lộng bắt đầu nghỉ rồi, phải chạy ăn từng bữa thôi”.
Theo ông Nguyễn Đồng, làng biển bãi ngang phải nghỉ đi biển mùa biển động bởi gió mùa. Biển gần bờ sóng to, thuyền nhỏ không đương đầu được với từng con sóng cao hơn 5 m. Sóng to, cá vùng lộng không kiếm được thức ăn cũng tản ra vùng sâu. Ở nơi sâu thì lại xa bờ, chỉ có thuyền đánh bắt lớn mới vật lộn được với sóng to gió cả.
Làng Thanh Bình có 66 chiếc thuyền nan đánh lộng đều phải kéo hết lên bờ, năm nay đến cuối tháng 9 họ mới cho thuyền lên cũng là thành công lớn. Năm trước, mưa lũ sớm hơn, họ phải cho thuyền lên bờ trước một tuần lễ. Thăm lại tay lưới, ông Phan Lộng (cũng là ngư dân Thanh Bình) nói: “Nghỉ đi biển là nhớ nhưng nhớ cũng chịu. Chẳng có cá thì ra khơi cũng bằng không. Chi bằng cho thuyền lên bờ núp dưới hàng dương rồi đi đâu đó tứ tán kiếm ăn”. Hỏi ông kiếm ăn ở đâu, ông nói: “Thì ai thuê chi mần nấy”. Cái nghề ai thuê chi mần nấy tìm hiểu ra mới biết là lên bờ, gác thuyền trên cát, đi gánh đất thuê, làm thợ hồ, lên núi lấy củi về bán kiếm tiền. Những ngư dân ăn sóng nói gió tứ tán khắp nơi khi gió mùa về.
Mùa biển động, biển bãi ngang không có cá, thuyền nằm bờ mòn mỏi chờ sóng yên.
Đi ra dưới chân núi Hoành Sơn hùng vĩ, cảnh tượng bãi ngang của làng Vĩnh Sơn, làng 19 Tháng 5 cũng chung cuộc mưu sinh từng bữa mùa biển động. Ngư dân kéo thuyền lên bờ, cất đó, rời biển vào đất liền làm thuê.
Vào vùng ba xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung cũng thuyền nan hơn 500 chiếc kéo lên trên bãi, lặng im nhìn sóng vỗ ì ầm. Ngư dân trai tráng bắt xe vào Nam kiếm việc. Họ mưu sinh trong đó bằng đủ thứ nghề. Anh Nguyễn Hạo, ngư dân trong làng, giãi bày: “Mùa biển động là đi vô Nam kiếm ăn từng bữa, nếu có thêm chút đỉnh thì gửi về cho vợ con. Đi đến tết lại quay về, mất đến năm tháng. Sau tết ở nhà đánh bắt vụ cá Nam. Thường sau tết được mùa cá nục, ra sức mà đánh để bù mùa đông vất vả kiếm ăn”.
Làm bạn nước sâu
Khi những con thuyền đơn sơ “cất biển”, bạn thuyền đủ nghề tứ tán phía bờ thì những ngư dân bãi ngang sót lại ở Bảo Ninh, Đồng Hới lại được các chủ thuyền thuê đi đánh bắt khơi xa. Đó cũng là một cách mưu sinh khác gắn chặt với biển. Bảo Ninh có khoảng 100 thuyền đánh bắt gần bờ, sáng đi chiều về hoặc tối đi rạng sáng vào neo. Mùa đông, lượng thuyền này dừng hẳn, dôi dư cả mấy trăm lao động ngóng chờ nghề biển. Vậy là chủ những chiếc thuyền đánh bắt lớn đã bao biển cho bạn chài đánh lộng. Mỗi nhân công được thuê sẽ nhận lương hậu hĩnh sau mỗi chuyến đi.
Vùng Ngư Thủy, thuyền tre kéo lên bờ tránh biển động.
Nhà ông Nguyễn Văn Ty có ba chiếc thuyền đánh bắt xa bờ. Mỗi mùa đông đến ông thuê thêm chục lao động. Ông Ty chia sẻ: “Cũng là bạn chài cả nhưng bọn tui có điều kiện bám biển quanh năm nhưng là biển ở vùng xa. Bạn chài đánh bắt gần bờ chỉ nhích được thuyền bè cách làng 500 m hoặc xa hơn chút thôi. Con cá nay khó kiếm, cưu mang nhau, thêm 10 lao động, đánh bắt mùa đông ở vùng biển xa thu hoạch khá lắm nên mỗi chuyến, trừ phí tổn, còn chia cho bạn chài (là những người đánh bắt gần bờ được lên thuyền đi vùng xa) thêm 4-5 triệu đồng. Đó cũng là niềm vui để san sẻ cùng nhau rồi”.
Bảo Ninh tứ phía là cát trọc, trắng xóa quanh năm không thước đất ruộng mành, chẳng có bờ xôi ruộng mật nhưng người dân ở đây đoàn kết, gắn bó nhau, cùng chí hướng làm ăn với biển, cùng cưu mang nhau trên cát bỏng. Thế nên người đi biển xa, hiểu được lòng dạ cồn cào của kẻ làm việc bãi ngang, gần bờ. Mùa đông khắc nghiệt, có thêm bàn tay chìa ra giúp đỡ, làng biển ai cũng vui mừng. Ông Nguyễn Thuận, một ngư dân đánh bắt gần bờ, nói: “Nhà tui không có khả năng đóng thuyền để đánh bắt xa bờ, chỉ mảnh thuyền đánh lộng. Mùa đông gác chèo, cất lưới. Anh em đi biển xa rủ đi cùng cho vui thì cũng đồng ý ra khơi xa cho đỡ nhớ tiếng sóng cào. Đi theo làm lụng đêm ngày, xong chuyến lại được chia tiền tham gia đánh bắt cá, cũng tốt lắm. Người làng biển cưu mang nhau vậy đó nên ở đây dù không có đất làm ruộng nhưng cũng có cơm ăn chú à”.
Người làng biển gặp khốn khó là víu vào với nhau, tấm lòng họ như những chiếc bè kiên cố trước sóng gió. Họ sống tình nghĩa, keo kết với nhau, dìu nhau qua bữa khó tràn đầy tình cảm bên triền cát biển Đông.
Lão ngư Nguyễn Đồng vá lại tay lưới rồi cất vào bờ, đi làm việc khác trong mùa biển động. Ảnh trong bài: MINH QUÊ
Chờ ngày cá lớn
Người bãi ngang mùa biển động khó khăn mưu sinh nhưng với họ đó cũng là khoảng thời gian ngẫu nhiên để tạo điều kiện cho cá hồi sinh.
Lão ngư Phan Quế ở Quảng Đông (Quảng Trạch) giải thích thêm: “Ngư dân nghỉ biển mùa gió đông bắc cũng là dịp để cá có thời gian lớn lên, sau đó ngư dân lại đánh bắt vụ cá sau tết”. Vùng vịnh Hòn La (Quảng Bình) nối thông với vùng biển Vụng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), ngư dân đánh lộng nghỉ biển dài ngày nhưng thường sau tết lại có vụ cá bội thu.
Trước mặt làng của người Quảng Đông là Vụng Chùa, Hòn La… Đó là vùng vịnh có rạn san hô dày đặc, mùa đông ngư dân không đánh bắt, như một cuộc “tha” không tận diệt để cá mú, tôm cua được cơ hội sinh sôi rồi sau tết “trả công” ngư dân. “Cứ sau tết, cố công đánh bắt càng nhiều càng tốt. Mỗi ngày kiếm được 500.000 đồng, có khi lên đến vài triệu đồng. Trừ chi phí đèn dầu còn chút lãi đưa vợ con mua gạo, mua khoai cất rương dự phòng mùa gió bấc” - lão ngư Nguyễn Dự phấn khởi kể.
Rời làng biển bãi ngang, trời xám xịt mưa, góc nhà các ngư dân có cái chum to đựng khoai vằm. Họ nói đó là suất ăn trong mùa biển động để lấy sức đi biển mùa sau.
MINH QUÊ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn